Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm tái lập tỉnh (1/7/1989-01/7/2024)

Xem với cỡ chữ : A- A A+

QUẢNG BÌNH-HÀO KHÍ 420 NĂM (1604-2024)

I/Khái lược vùng đất Quảng Bình trước năm 1604.

Quảng Bình - vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đa diện. Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, Quảng Bình có vị trí rất đặc thù. Đây là nơi giao thoa, hội tụ giữa các nền văn hóa lớn của đất nước, dân tộc, chủ yếu từ nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và được phát triển liên tục có tính hệ thống cho đến ngày nay.

Trong suốt tiến trình lịch sử Quảng Bình không phải lúc nào cũng thuận chiều, thậm chí có lúc gián đoạn. Chính vì lẽ đó, từ sau hơn một thiên niên kỷ khai thiết và tạo dựng, mãi đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, vùng đất Quảng Bình mới hội tụ đầy đủ các điều kiện để hội nhập vào tiến trình lịch sử Việt Nam. Đó là vào năm 1069, Lý Thường Kiệt đi mở cỏi phương Nam và sát nhập 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh vào Đại Việt. Sau này, mảnh đất này lại tiếp tục hứng chịu nhiều tác động ngoại cảnh và những biến động tự thân để rồi lại phân chia, tách nhập với các tên gọi châu Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh (năm 1075), phủ Tân Bình (năm 1375), trấn Tân Bình (năm 1397), phủ Tây Bình (năm 1402), phủ Tiên Bình (năm 1600)...

Đến năm 1604, sau khi thiết lập chính quyền cát cứ phía Nam, Chúa Nguyễn Hoàng thống nhất lại các đơn vị hành chính thuộc quyền và chính thức đặt tên cho vùng đất này là phủ Quảng Bình (Chúa Nguyễn Hoàng muốn dùng chữ Quảng Bình với ý nghĩa Quảng là rộng, Bình là thái bình, yên ổn, để tỏ lòng ước vọng một nền "thái bình rộng lớn"); trực thuộc dưới phủ có huyện và châu. Mốc 1604 là năm mà tỉnh bắt đầu có danh xưng "Quảng Bình" và là đơn vị hành chính cấp phủ (đồng cấp tỉnh) trực thuộc chính quyền Trung ương thuộc quốc gia Đại Việt; toàn bộ không gian lãnh thổ và địa giới hành chính phủ Quảng Bình bấy giờ bảo đảm tính toàn vẹn tương đối như ngày nay.

II/Những đóng góp to lớn của Quảng Bình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Nằm ở vùng đất tranh chấp giữa hai thế lực phong kiến vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, cuộc chiến diễn ra triền miên, đẫm máu, nhiều năm đã làm cho Nhân dân Quảng Bình điêu đứng, cực khổ. Năm 1771, phong trào nông dân Đàng Trong chống áp bức, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Chỉ trong vòng 10 ngày của tháng 6 năm 1786, nhân dân Quảng Bình đã nổi dậy tham gia với nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 3 vạn quân Trịnh trên phòng tuyến sông Gianh.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 27/6/1885, triều Nguyễn đầu hàng vô điều kiện. Trong triều đình Huế lúc này phân thành hai phe “Phe chủ chiến” và “Phe chủ hoà”. “Phe chủ chiến” do Thượng thư Tôn Thất Thuyết đứng đầu đã vạch ra kế hoạch tấn công quân Pháp ở Huế. Sau vụ phản công ở Huế tháng 7/1885 không thành, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Quảng Trị), sau ra huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) phát Chiếu Cần Vương, kêu gọi Nhân dân đứng lên phò vua cứu nước. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, quan lại và trí thức có lòng yêu nước, Nhân dân Quảng Bình đã vùng dậy đánh trả quân xâm lược. Vùng đất Quảng Bình trở thành một trong những nơi tụ nghĩa của phong trào Cần Vương. Các sĩ phu yêu nước của đất Quảng Bình như: Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Lê Mô Khởi, Đoàn Đức Mậu, Hoàng Phúc, Mai Lượng... đã chiêu tập nghĩa quân, đứng lên chống thực dân. Ngày 19/7/1885, quân Pháp nhanh chóng chiếm thành Đồng Hới. Thực dân Pháp còn tổ chức nhiều cuộc tấn công vào căn cứ của vua Hàm Nghi ở vùng Tuyên Hóa. Tại đây đã xảy ra những trận đánh lớn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phạm Tuân và các tướng khác. Tháng 01/1886, tại Khe Ve, nghĩa quân đã đánh bại hai lần tấn công quy mô của quân Pháp, giết và làm bị thương nhiều tên địch. Ngày 1/11/1888, Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, phong trào Cần Vương ở Quảng Bình tạm thời lắng xuống nhưng tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân vẫn âm ỉ cháy, rồi lại bùng lên mạnh mẽ trong các cuộc khởi nghĩa…

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đảm đương sứ mệnh của một Đảng lãnh đạo, phong trào chống Pháp ở Quảng Bình mới phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Các tổ chức cơ sở Đảng lần lượt ra đời: Chi bộ ga Bố Trạch; chi bộ Trung Lực-Mỹ Thổ, huyện Lệ Thủy; chi bộ Bãi Đức, huyện Tuyên Hóa; chi bộ Lũ Phong, thị xã Ba Đồn,... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu cao, thuế nặng ở Quảng Bình liên tiếp nổ ra... Trong thời kỳ 1939-1941, phong trào cách mạng ở Quảng Bình tập trung vào việc đấu tranh để bảo vệ những thành quả đã giành được trong thời kỳ mặt trận dân chủ và duy trì các hình thức tổ chức cũ. Ngày 17/8/1945, Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức hội nghị quán triệt lệnh Tổng khởi nghĩa do đồng chí Tố Hữu phái viên của Trung ương vào truyền đạt. Hội nghị bàn kế hoạch lãnh đạo và quyết định lấy ngày 23/8/1945 làm ngày khởi nghĩa chung toàn tỉnh. Sau hội nghị, phong trào cách mạng ở Quảng Bình có bước phát triển nhảy vọt và trưởng thành nhanh chóng. Đêm 22 rạng ngày 23/8/1945, các tầng lớp Nhân dân ở vùng ven và quanh khu vực thị xã Đồng Hới với băng cờ, gươm, giáo mác, gậy gộc... tập trung đông đảo quanh thành Đồng Hới đợi lệnh tổng khởi nghĩa. Mờ sáng ngày 23/8/1945, lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố. Dân chúng từ các nơi đổ vào cửa thành, bao vây toà sứ, trại lính. Lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm giữ các vị trí xung yếu trong nội thị, sẵn sàng đánh trả mọi hành động chống cự của địch. 8h ngày 23/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa làm lễ ra mắt và tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, quần chúng cách mạng ở các phủ, huyện đã đồng loạt vùng lên giành chính quyền.

Đến ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống phủ, huyện, xã đều được thiết lập. Ngày 2/9/1945, lần đầu tiên trong lịch sử, quân và dân Quảng Bình đã tập trung về tỉnh lỵ và huyện lỵ dự cuộc mít tinh lớn mừng ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tất cả cùng háo hức và tập trung lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau khi giành được thắng lợi, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với những khó khăn chồng chất, cùng với cả nước, Nhân dân Quảng Bình phải đối mặt với ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hàng vạn người thiếu ăn, hàng nghìn người phải đi tha hương cầu thực. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy", Đảng bộ và Nhân dân Quảng Bình quyết tâm xây dựng và bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được. Nhân dân trong tỉnh đưa ra nhiều sáng kiến để cứu đói như lập hũ gạo cứu đói, ngày đồng tâm nhịn ăn, thành lập các đoàn cứu đói đi giúp đỡ nhân dân và lực lượng vũ trang....

Ngày 23/9/1945, núp dưới bóng quân Anh, thực dân Pháp trở lại Sài Gòn, nổ súng tiến công mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân Quảng Bình khẩn trương chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược.

Ngày 27/3/1947, thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình. Ngay từ trận đầu, khi quân Pháp mới đổ bộ lên bờ biển Nhật Lệ, chúng đã bị các chiến sĩ của đội quân Lê Trực, du kích thị xã Đồng Hới đánh trả quyết liệt. Lực lượng chiến đấu ở các nơi khác cũng đồng loạt nổ súng, hơn 20 ngày chiến đấu liên tục, lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ Quảng Bình đã tiêu diệt được 460 tên địch. Đầu năm 1948, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, phá thế liên hoàn của ta. Đầu năm 1949, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, hậu phương kháng chiến ngày càng được củng cố  vững mạnh về mọi mặt. Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của phong trào kháng chiến, tháng 5/1949, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định phát động tuần lễ “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công” và quyết định lấy ngày 15/7/1949 làm ngày "Quảng Bình quật khởi". Sau tuần lễ "Quảng Bình quật khởi", cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Bình đã bước sang một giai đoạn mới. Tính đến cuối tháng 7/1949, lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh 120 trận, diệt 40 tên Pháp, bắn bị thương 120 tên bao gồm cả Pháp và ngụy, phá hỏng 22 xe, 34 cầu cống, giải tán 225 hội tề... Năm 1950, cuộc kháng chiến ở Quảng Bình tiếp tục giành được thắng lợi to lớn, đánh dấu bằng những chiến công vang dội của lực lượng vũ trang.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Bình là quê hương của phong trào xây dựng "làng chiến đấu". Những làng chiến đấu kiểu mẫu như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Hiển Lộc, Hưng Đạo.. đã trở thành điển hình tiêu biểu cho cả nước học tập.

Trong những năm thực hiện chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ với dã tâm đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá đế quốc Mỹ đã không từ bất cứ một loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại nào để đánh phá miền bắc, đặc biệt là ở Quảng Bình. Song, vượt lên mưa bom, bão đạn của quân thù, quân và dân Quảng Bình đã gan vàng, dạ sắt, phát huy truyền thống "Quảng Bình quật khởi", hăng hái ra quân đánh Mỹ với một quyết tâm sắt đá "Nhà tan, cửa nát cũng ừ; đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau". Trong tám năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân tỉnh Quảng Bình đã bắn hạ 704 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 84 tàu chiến Mỹ. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, nhân dân Quảng Bình đã đóng góp gần 2.960 nghìn ngày công phục vụ chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải; khoảng 11% dân số đã tham gia chiến đấu trong quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Vượt lên mọi gian khổ, hy sinh và cả sự tàn  hốc, ác liệt của chiến tranh, Ðảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã kế thừa tinh thần quật khởi để làm nên cao trào thi đua mới "Hai giỏi"-Một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quê hương và con người Quảng Bình, mãi mãi đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhân dân Quảng Bình đã gắn bó keo sơn cùng Nhân dân hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên anh em ra sức phát huy truyền thống cách mạng, chung sức xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất. Từ ngày 1/7/1989, Quảng  Bình trở thành một tỉnh riêng với địa giới và tên gọi vô cùng thân thương, trìu mến vốn có trong lịch sử. Nhờ xác định hướng đi đúng, bước đi thích hợp, với sự nỗ lực phấn đấu cao của các ngành, các cấp và Nhân dân trong tỉnh, 35 năm qua, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu và kết quả to lớn, quan trọng trên nhiều mặt. Tốc độ tăng trưởng GRDP khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người được cải thiện đáng kể, tỷ trọng công  nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhờ tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, dịch vụ luôn duy trì ở mức cao.

Sản lượng lương thực không ngừng tăng, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống Nhân dân. Trong 35 năm qua, Quảng Bình đã hình thành thêm nhiều điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Tổng số khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình ngày một tăng cao. Thương hiệu du lịch Quảng Bình được khẳng định ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới, là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Một số điểm du lịch có tiềm năng lớn trở thành điểm đến tầm cỡ thế giới. Làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Du lịch Quảng Bình đã và đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá và con người Quảng Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Hoạt động tài chính, tín dụng có nhiều tiến bộ. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân khoảng 15-20%/năm. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng và đạt được kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, đời sống Nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn đổi mới toàn diện; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới ngày một tăng cao. Đến năm 2023, có 93/128 xã đạt nông thôn mới, đạt 73%; trong đó, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 36 khu dân cư kiểu mẫu và 44 vườn mẫu. Toàn tỉnh hiện có 145 sản phẩm OCOP được công nhận; đến hết năm 2023, có 34 sản phẩm OCOP 4 sao, đạt và vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Từ năm 2021 đến nay, đã phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư 147 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 28.000 tỷ đồng; thu hút 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 54,6 triệu USD; 47 dự án phi chính phủ nước ngoài, giá trị cam kết viện trợ 9,5 triệu USD. Nhiều dự án đã triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, một số dự án đã tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và thu ngân sách, tạo động lực phát triển của tỉnh. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được chú trọng. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Giao thông nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Hệ thống đê điều, thủy lợi, hồ chứa được nâng cấp, bảo đảm an toàn. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; mạng lưới bưu chính - viễn thông, phát thanh truyền hình phủ kín; chủ động nước tưới cho trên 100% diện tích lúa đông xuân; 97% số dân ở nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư. Nổi bật là thành phố Đồng Hới kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, được công nhận là đô thị loại II năm 2014; thị xã Ba Đồn được thành lập năm 2013; khu vực thị trấn Hoàn Lão và khu vực thị trấn Kiến Giang mở rộng được công nhận đạt tiêu chí loại IV. Các khu công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường được tăng cường. Việc kiểm soát ô nhiễm, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được tiến hành thường xuyên. Quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước từng bước đi vào nền nếp.

Các lĩnh vực xã hội đều phát triển nhanh chóng, giáo dục, y tế, văn hóa đạt nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng, chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khá cao. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được củng cố, kiện toàn, đạt chuẩn. Cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Số lao động qua đào tạo nghề trong toàn tỉnh ngày càng nhiều. Công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Số gia đình đạt danh hiệu văn hóa đạt 89,7%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chiếm 82,1%. Việc thực hiện các chính sách xã hội, công tác chăm sóc, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác được đặc biệt quan tâm và có nhiều tiến bộ.

Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Ðời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện về mọi mặt, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 4,05%. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường và Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm thực hiện. Dân chủ xã hội ngày càng được phát huy rộng rãi. Bộ mặt của Quảng Bình từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến bản làng miền núi, vùng cao, vùng xa đang từng ngày khởi sắc. Từ một thị xã hoang tàn đổ nát do hậu quả nặng nề của chiến tranh, Ðồng Hới đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình vào năm 2014.

Ðảng bộ Quảng Bình không ngừng trưởng thành, lớn mạnh trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức và cán bộ, đủ sức lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong giai đoạn cách mạng mới. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang được cấp ủy các cấp triển khai sâu rộng trong toàn đảng bộ và Nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Những thành tựu mà Ðảng bộ và nhân  ân Quảng Bình đạt được trong những năm qua, nhất là sau 35 năm tái lập tỉnh là quan trọng và rất đáng tự hào, tạo ra thế và lực mới để Quảng Bình cất cánh đi lên cùng cả nước.

III/ Định hướng phát triển Quảng Bình từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 đã xác định rõ về 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế. Đó chính là công thức, là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho kinh tế Quảng Bình.

Cụ thể, 4 trụ cột trong phát triển kinh tế là: Du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. 2 trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu kinh tế Hòn La, với mục tiêu trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế. 3 trung tâm đô thị là Trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn. 3 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Với mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần Nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2030 phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung”.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Bình đã đề ra các nhóm đột phá phát triển như sau:

Thứ nhất, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó ưu tiên những lĩnh vực, dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn: Hệ thống giao thông bảo đảm kết nối thông suốt (tập trung hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước năm 2025); hạ tầng du lịch; hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong KCN, KKT; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực then chốt như du lịch, công nghiệp.

Thứ hai, đổi mới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đảm bảo cho huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tháo bỏ các rào cản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý nhà nước; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chuyển đổi số nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhân tài.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp mới, du lịch giá trị cao. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong dạy nghề, giải quyết việc làm để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; từng bước hoàn thiện và nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng, biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực, phấn đấu mục tiêu đến năm 2050: “Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây (hướng ra biển). Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú; nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững”.

Trải qua 420 năm xây dựng và phát triển, dù phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, có những thử thách hết sức nghiệt ngã của tự nhiên và xã hội nhưng ở thời kỳ nào, vùng đất và con người Quảng Bình luôn tỏ r hào khí kiên cường và sức vươn lên mạnh mẽ. Những thành tựu mà Quảng Bình đạt được trong chiều dài lịch sử, nhất là từ khi có Đảng đến nay là hết sức to lớn, đó là sự kế thừa truyền thống anh dũng kiên cường trong chiến đấu và năng động, sáng tạo trong hòa bình, được hun đúc từ trong những tháng năm máu lửa của chiến tranh, là hành trang lớn để Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà thực hiện khát vọng vươn lên, xây dựng tỉnh Quảng Bình sớm trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực miền Trung và đến năm 2050, Quảng Bình trở thành tỉnh công nghiệp, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước./

(Theo Tài liệu tuyên tuyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình)

Các tin khác