Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Khởi nghiệp từ mô hình bánh tráng

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Bằng sức trẻ, sự năng động, giám nghỉ dám làm và lòng nhiệt huyết với nghề, vợ chồng Lê Thế Tuất, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh đã gây dựng được cơ sở sản xuất bánh tráng với hệ thống máy móc khá hiện đại, cho thu nhập khá cao, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Sau một thời gian buôn ba, bươn chải làm thuê khắp nơi những kinh tế gia đình vẫn không khởi sắc, vợ chồng anh Tuất, chị Ánh đã tìm hiểu về nghề sản xuất bánh tráng quyết tâm lập nghiệp bằng nghề này. Khi điều kiện cho phép, năm 2017, vợ chồng anh chị bắt đầu mở xưởng, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại như máy xay bột, hệ thống máy tráng, máy đánh bột…với chi phí trên 500 triệu đồng.

 

Trong những ngày đầu bắt tay tạo dựng cơ sở, quy mô còn nhỏ, kinh nghiệm trong kinh doanh và tiếp thị sản phẩm chưa tốt, cộng với tâm lý khách hàng vẫn ưa chuộng sản phẩm bánh tráng đã có thương hiệu từ trước… khiến hoạt động sản xuất của vợ chồng anh chị gặp không ít khó khăn.

Không nản chí, vợ chồng anh chị động viên nhau vừa học hỏi, trau dồi kỹ thuật làm bánh, vừa tranh thủ thời gian đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để giới thiệu sản phẩm. Trời không phụ công người, công sức của hai vợ chồng chị bỏ ra đã dần có được kết quả. Sản phẩm bánh tráng của gia đình được nhiều người biết đến và đặt hàng ngày càng nhiều, không chỉ trên địa bàn mà các địa phương lận cận cũng có phản hồi tích cực. Anh Lê Thế Tuất, Chủ cơ sở bánh tráng Tuất Ánh cho biết: “Những ngày đầu lập nghiệp gặp không ít khó khăn, vất vả. Nhưng nhờ sự nỗ lực vươn lên, chú trọng nâng cao chất lượng nên sản phẩm bánh tráng đã có chỗ đứng trên thị trường. Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ mở rộng xưởng sản xuất, đa dạng hoá các sản phẩm, đưa thương hiệu bánh tráng Tuất Ánh vươn xa”.

So với cách làm thủ công trước đây, việc làm bánh tráng bằng máy hiệu suất đem lại cao hơn nhiều, đỡ công lao động, bánh tráng ra lò chín, dai, ngon và đẹp hơn, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Quá trình sản xuất hoàn toàn bằng máy nên sản phẩm làm ra luôn ổn định. Với chất lượng, mẫu mã đẹp, mức tiêu thụ ngày càng mở rộng đã giúp cho công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình dần tăng trưởng bền vững.

Ngoài sản phẩm chủ lực là bánh tráng mè vàng và mè đen, cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh còn sản xuất bánh tráng dừa, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ 2,2 tạ gạo nguyên liệu, cho ra 4.000-4.500 bánh thành phẩm. Với giá bán từ 1.800-2.000 đồng/cái (tuỳ loại bánh), mỗi năm, cơ sở bán ra thị trường từ 20-30 vạn bánh tráng, cho thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng.

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, đến nay cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh hoạt động khá hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Chị Lê Thị Thu, Nhân công tại cơ sở sản xuất bánh tráng Tuất Ánh chia sẻ:Tôi gắn bó với cơ sở bánh tráng Tuất Ánh đến nay đã hơn 4 năm. Mỗi ngày tôi đến cơ sở từ 5h sáng với công việc chủ yếu của là tráng bánh, xếp bánh, phơi bánh, đóng gói…Thu nhập mỗi tháng gần 4 triệu đồng, giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Tôi sẽ gắn bó với cơ sở lâu dài.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, vợ chồng anh Tuất không chỉ chú trọng vào chất lượng mà đầu tư bao bì nhãn mác, quảng bá thương hiệu. Hiện sản phẩm bánh tráng có mặt ở Đồng Hới, Hoàn Lão, Lệ Thuỷ… Để tiếp thêm ước mơ đưa thương hiệu bánh tráng Tuất Ánh ngày càng tiến xa, UBND xã Lương Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ về mọi mặt cho các mô hình sáng tạo khởi nhiệp nói chung và bánh tráng Tuất Ánh nói riêng. Ông Lê Ngọc Thể, Phó chủ tịch UBND xã Lương Ninh nói: Cơ sở bánh tráng Tuất Ánh là một trong những mô hình tiểu thủ công nghiệp được địa phương đánh giá cao về hiệu quả trong thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động và là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương. UBND xã đã tạo điều kiện để cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương.”

Từ sự nỗ lực của vợ chồng anh Lê Thế Tuất và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sản phẩm bánh tráng Tuất Ánh đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường, được khách hành tin dùng, lựa chọn. Hiệu quả đưa lại từ mô hình sản xuất bánh tráng đã gúp vợ chồng anh Tuất, chị Ánh có kinh tế khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang, đầu tư cho con cái học hành và mua sắm nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thời gian tới, cơ sở sản xuất bánh tráng tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất để ngày càng hoàn thiện sản phẩm, góp phần thực hiện tốt đề án “ mỗi xã một sản phẩm.

Hồng Nhung

Các tin khác