Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Quảng Ninh tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khả quan. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Được công nhận xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Quảng Ninh vào cuối năm 2014 và được đánh giá là một trong những địa phương có các tiêu chí mang tính bền vững. Sau 9 năm đạt chuẩn xã NTM, diện mạo nông thôn ở Lương Ninhđã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, mức sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Các công trình hạ tầng trên địa bàn thường xuyên được duy tu, bảo trì thường xuyên, đảm bảo hiệu quả sử dụng.

 

Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lâu dài và xuyên suốt, Đảng bộ và Nhân dân xã Lương Ninh quyết tâm tập trung giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật của Nhân dân gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong xã, đến nay, xã Lương Ninh đã có 15/19 tiêu chí đạt trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Cảnh quan môi trường của xã có sự thay đổi đáng kể, người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung…Ông Phan Mậu Hai, Trưởng thôn Lương Yến, xã Lương Ninh cho biết: “Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn Lương Yến đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Bằng nguồn kinh phí Nhân dân đóng góp và xã hội hóa, thôn Lương Yến đã xây dựng đình làng, nhà văn hóa, làm đường giao thông… với kinh phí hàng tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm. Thôn có 2 sản phẩm OCOP là rượu nếp cẩm O Vinh và bánh tráng Tuất Ánh.Hiện thôn đang tiếp tục duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí, góp phần cùng với xã Lương Ninh về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2023.

Trường Xuân là xã miền núi, xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, do đó, quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí NTM địa phương gặp phải nhiều khó khăn. Ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM; lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Với sự đồng sức, đồng lòng của Nhân dân và nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, xã Trường Xuân đã đạt được 11/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025. Hiện có 8 tiêu chí chưa đạt gồm giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân chia sẻ: Trong 8 tiêu chí chưa đạt, thì tiêu chí khó nhất là môi trường và nghèo đa chiều.  Đối với tiêu chí nghèo đa chiều do đời sống của người dân ở các thôn, bản còn khó khăn, nguồn thu nhập bấp bênh khiến nhiều hộ khó thoát nghèo. Hiện Trường Xuân còn 232 hộ nghèo, chiếm 28,64%, đây là tỷ lệ khá cao nên để về đích NTM đối với xã còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

 

Để xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng mạng lưới giao thông ngày một hoàn thiện. Tỷ lệ các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng cao. Chỉ riêng từ năm 2021 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng, bê tông hóa hơn 186km đường giao thông. Các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được ưu tiên đầu tư; hạ tầng đô thị, công nghệ thông tin, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng hoàn thiện. Tổng nguồn vốn đầu từ toàn xã hội trên địa bàn từ năm 2021 đến tháng 9 năm 2023 đạt 6.223 tỷ đồng, bình quân tăng 12,77%/năm.

Toàn huyện có 12/14 xã đạt NTM, có 12 khu dân cư kiểu mẫu, 3 thôn thuộc xã khó khăn đạt chuẩn NTM và 7 xã đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao. Kết quả ấn tượng trong phát triển KT-XH của huyện trong những năm gần đây một lần nữa cho thấy sự vươn lên, bứt phá của huyện Quảng Ninh như giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 2,8%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 12,27%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 10,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 53 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,36%.Ông Phạm Trung Đông, phó bí thư HU, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Kế thừa những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Quảng Ninh tập trung các nguồn lực để hoàn thiện các chỉ nhiệm, nhiệm vụ đề ra. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Phấn đấu đến cuối năm 2023 có 2 xã đạt chuản NTM nâng cao, có 3-4 khu dân cư NTM kiểu mẫu, có 1-2 thôn/bản tại các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.

Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, Quảng Ninh tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề, dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn vàphát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hồng Nhung

Các tin khác