Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Quảng Ninh học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo tồn văn hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn coi trọng vấn đề văn hóa, định nghĩa về văn hoá, Bác Hồ viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Cho nên xây dựng nền văn hóa mới cần coi trọng lối sống trong sạch, lành mạnh, làm cho tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh thấm nhuần trong toàn xã hội.

Di sản văn hóa quý giá nhất của dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là truyền thống dân tộc và những đức tính của con người Việt Nam được hình thành, xây dựng và hun đúc qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, được tổng kết thành các chuẩn mực: yêu nước, thương người, đoàn kết thủy chung, anh hùng bất khuất, bền bỉ cần cù, thông minh linh hoạt, lạc quan.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Trong những ngày đầu tiên của nhà nước non trẻ, đứng trước vô vàn khó khăn “thù trong giặc ngoài”, có thể nói Chính quyền cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch lâm thời đã vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi hiểm nguy. Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành độc lập, trong bộn bề những khó khăn, thách thức đối với một nhà nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh Bảo tồn cổ tích, sắc lệnh thể hiện tư tưởng, quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước ta về di sản văn hóa là “Việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Đó là tư tưởng định hướng cho việc bảo tồn di tích. Sắc lệnh trong những ngày đầu cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị như những tuyên ngôn và pháp luật của chính quyền nhân dân, là sự khởi đầu đặt nền móng cho phát triển kinh tế - văn hóa -xã hội và sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta. Di sản văn hóa là tài sản của toàn dân, phục vụ lợi ích của toàn xã hội, mọi cá nhân và mọi tổ chức, mọi ngành, mọi cấp phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa, Sắc lệnh 65-CP năm 1945 đã chỉ rõ: “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về di sản văn hóa, Đảng và Nhà nước ta ngày càng có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp có hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 7 năm 1977) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nêu rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng, bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”. Luật Di sản văn hóa năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã khẳng định: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng tăng của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần vào kho tàng di sản văn hóa thế giới”.

Sự nghiệp nghiên cứu bảo vệ phát huy giá trị của di sản văn hóa ở tỉnh ta nói chung và ở huyện Quảng Ninh nói riêng trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt. Lĩnh vực, số lượng các di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp không  ngừng tăng lên. Tiêu biểu như các di tích: Bến phà Quán Hàu, Võ Thắng Quan, Đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Mộ Hữu Quân đô thống Lê Sỹ, Khu lăng mộ Hoàng Kế Viêm, Bảo tàng 559 xã Hiền Ninh và mới đây là di tích Chùa Non-Núi Thần Đinh, di tích lịch sử Vụ thảm sát Chợ Gộ vv…

Quảng Ninh là huyện có bề dày lịch sử văn hoá. Để tạo điều kiện bảo tồn, phát huy những di sản văn hoá trên địa bàn, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo huyện và Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh, Phòng Văn hóa-Thể thao huyện đã triển khai thực hiện đề án sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa và được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia hiến tặng nhiều vật thể mang tính văn hóa-lịch sử trong dân gian để trưng bày tại phòng truyền thống huyện, nhằm tuyên truyền giáo dục các thể hệ con cháu có ý thức bảo tồn, gìn giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Có thể nói trong những năm qua, huyện Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, sưu tầm các di sản, sản vật văn hóa, lịch sử và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các loại hình di sản văn hoá được gìn giữ phát huy. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh rất tự hào về những di sản văn hoá do các thế hệ tiền nhân để lại và tiếp tục dày công vun đắp để những bông hoa tươi đẹp về di sản văn hoá mãi mãi tỏa sáng trên quê hương Quảng Ninh anh hùng.

 

Ngọc Khang

Các tin khác