Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Quy định của Bộ Luật Dân sự về chiếm hữu

Font size : A- A A+
Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Trong đó, nắm giữ là thuật ngữ pháp lý chỉ trạng thái của chủ thể có thể giữ, tác động được lên vật trong phạm vi kiểm soát của mình. Việc nắm giữ vật không chỉ tồn tại ở hình thái trực tiếp (giữ, tác động bằng các giác quan) mà còn có thể là gián tiếp thông qua việc kiểm soát sự tồn tại của nó (cất giữ). Không phải nắm giữ được tài sản là người đó có quyền năng này mà loại quyền này ghi nhận cho những chủ thể nhất định đã được pháp luật quy định.

 Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.

- Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

- Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

- Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.

- Chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.

Việc chiếm hữu không liên tục, không công khai không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu.

- Suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu:

Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.

Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.

Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.

Việc suy đoán người đang chiếm hữu là người có quyền lợi hợp pháp có ý nghĩa rất quan trọng vì một mặt, đây là sự công nhận người chiếm hữu có những quyền pháp lý nhất định; mặt khác, có tác động trực tiếp đến người thứ ba: người thứ ba mua vật một cách ngay tình từ người chiếm hữu thì được công nhận ngay là người có quyền sở hữu vật, dù người chiếm hữu không phải là người có quyền định đoạt vật, trừ một số ngoại lệ (ví dụ, đó là vật bị lấy cắp, bị mất).

- Bảo vệ việc chiếm hữu: Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại. Việc bảo vệ người chiếm hữu có tác dụng bảo đảm sự ổn định trong xã hội, không cho phép cá nhân sử dụng vũ lực với nhau để giải quyết tranh chấp về tài sản. Nếu chủ sở hữu đích thực muốn lấy lại vật thì cần thông qua cơ chế do Nhà nước lập ra (Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác) mà không thể dùng vũ lực để lấy lại vật.

Phòng Tư pháp

More