Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 14/2019/QĐ-TTG NGÀY 13/3/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

Font size : A- A A+
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật (sau đây gọi là Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2019 và thay thế Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg có 04 chương và 16 điều, bao gồm: Chương I (Quy định chung, từ Điều 1 đến Điều 4), Chương II (Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, từ Điều 5 đến Điều 8), Chương III (Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân, từ Điều 9 đến Điều 13) và Chương IV (Tổ chức thực hiện, từ Điều 13 đến Điều 16). Quyết định có những nội dung cơ bản và điểm mới như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, bao gồm:

- Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia.

- Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn (bao gồm các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo) và Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật

Quyết định quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật cần đảm bảo 04 nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật phải phù hợp với yêu cầu của từng địa bàn, cơ quan, đơn vị và nhu cầu khai thác sách, tài liệu pháp luật của người sử dụng.

Thứ hai, xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia phải gắn với mục tiêu, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo duy trì, khai thác sách, tài liệu pháp luật tập trung, liên tục, lâu dài, khai thác, khai thác, sử dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin hiện có và liên kết, trích xuất với các cơ sở dữ liệu về pháp luật, thông tin, PBGDPL.

Thứ ba, củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn để phục vụ rộng rãi nhu cầu tra cứu, khai thác thông tin, sách, tài liệu pháp luật tại cơ sở; thống nhất quản lý, khai thác sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có trên địa bàn.

Thứ tư, Nhà nước ưu tiên cấp phát, trang bị sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn nhằm bảo đảm thực hiện quyền của công dân trong tiếp cận thông tin pháp luật.

3. Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật

3.1. Đối với Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia, Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn và Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân:

a) Về nguồn kinh phí

- Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

- Kinh phí xây dựng, vận hành Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia được lồng ghép với kinh phí duy trì hoạt động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện có và kinh phí thực hiện các chương trình, đề án có nội dung ứng dụng công nghệ thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn do ngân sách địa phương bảo đảm; khuyến khích ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ xây dựng, bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách thì sử dụng nguồn thu ngân sách của địa phương để chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật. Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật trong nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương.

- Kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân được dự toán trong ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị quản lý Tủ sách pháp luật theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Về định mức, nội dung chi

- Nội dung chi xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật bao gồm: Rà soát, số hóa, hệ thống hóa, mua, bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật; tổ chức luân chuyển, khai thác sách, tài liệu pháp luật và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

- Nội dung chi, mức chi cho Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Định mức kinh phí tối thiểu hằng năm cho Tủ sách pháp luật xã đặc biệt khó khăn, Tủ sách pháp luật cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân là 03 triệu đồng/năm/Tủ sách (tăng 01 triệu đồng/năm/Tủ sách so với Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg).

Nội dung chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

3.2. Đối với Tủ sách pháp luật tại xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn, Tủ sách pháp luật phường, thị trấn và Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị không thuộc lực lượng vũ trang nhân dân:

- Từ nay đến hết năm 2020: Kinh phí xây dựng, duy trì, khai thác Tủ sách pháp luật vẫn được bố trí từ ngân sách nhà nước.

- Từ năm 2021 trở đi: Nếu vẫn xây dựng, duy trì Tủ sách pháp luật theo hướng độc lập thì thực hiện xã hội hóa để huy động nguồn lực xây dựng, duy trì Tủ sách pháp luật. Nếu sáp nhập Tủ sách pháp luật cấp xã vào Thư viện hoặc điểm Bưu điện – Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng thì bố trí trong kinh phí hoạt động của thiết chế này. Nếu thực hiện số hóa, cập nhật sách, tài liệu vào dữ liệu thành phần của Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia thì kinh phí thực hiện theo quy định về kinh phí cho Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia.

4. Xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân

4.1. Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đặc biệt khó khăn, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân trách nhiệm, thẩm quyền thành lập Tủ sách; quyết định địa điểm đặt Tủ sách; người phụ trách và quyền hạn, nhiệm vụ của người phụ trách Tủ sách; phạm vi và đối tượng phục vụ.

4.2. Bên cạnh đó, Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg đã có một số quy định như sau:

a) Quy định cụ thể các yêu cầu xây dựng, khai thác Tủ sách pháp luật

- Đối với Tủ sách pháp luật xã phải bảo đảm: (i) Địa điểm đặt Tủ sách pháp luật phải thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng; sắp xếp, bố trí phòng đọc phục vụ đọc sách tại chỗ; (ii) Thường xuyên rà soát, phân loại sách, tài liệu bảo đảm khoa học, tra cứu thuận tiện; chọn lọc sách, tài liệu pháp luật có chất lượng, giá trị để bổ sung, trang bị theo định kỳ, phù hợp điều kiện, đặc điểm vùng, miền, cơ quan, đơn vị; (iii) Thực hiện quản lý, khai thác thống nhất sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật với sách, tài liệu pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện – Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng tại xã đặc biệt khó khăn.

- Đối với Tủ sách cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài các yêu cầu (i) và (ii) nêu trên còn phải phù hợp với yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị.

b) Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong chỉ đạo việc quản lý, khai thác thống nhất sách, tài liệu pháp luật của Tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện – Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng phù hợp với thực tiễn tại địa phương; thực hiện việc quản lý sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật và sách, tài liệu pháp luật của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

c) Công báo và văn bản quy phạm pháp luật không còn là bộ phận tài liệu bắt buộc của Tủ sách pháp luật như quy định của Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg. Theo đó, Tủ sách pháp luật chủ yếu có các loại sách, báo, tài liệu pháp luật như sau:

- Tài liệu, đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh; sách, tài liệu hỏi đáp, bình luận, giải thích, hướng dẫn pháp luật; tờ gấp, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật; sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở đối với Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn; sách, tài liệu phục vụ công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy và học tập đối với Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số còn có sách, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số;

- Sách, tài liệu pháp luật trang bị cho Thư viện xã, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn (nếu có); sách, tài liệu pháp luật của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng).

- Đồng thời, Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn các sách, tài liệu pháp luật khác phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ sở.

d) Quy định linh hoạt, tạo điều kiện cho việc sắp xếp, bố trí người phụ trách Tủ sách pháp luật phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, cơ quan, đơn vị. Trong đó:

- Người phụ trách Tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bố trí, phân công trong số công chức chuyên môn của Ủy ban nhân dân xã, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

- Người phụ trách Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị bố trí, phân công phù hợp với yêu cầu của đơn vị.

More