Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em – Cần lắm sự chung tay

Font size : A- A A+
Khi mà chúng ta sống trong những kỷ nguyên của sự đấu tranh cho bình đẳng và nhân quyền, thì xung quanh ta, nạn bạo lực gia đình, vấn nạn xâm hại trẻ em vẫn còn đang nhức nhối. Chung tay cùng hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua, Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã tăng cường các hoạt động nhằm phòng, chống nạn bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em.

 

Có lẽ người phụ nữ Vân Kiều nhỏ nhắn ấy sẽ không bao giờ quên được quảng thời gian mình sống trong chịu đựng, thiếu sự sẻ chia và gồng mình như thể phận đàn bà phải vậy. Chị là Hồ Thị Son, ở bản Hang Chuồn, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. 26 tuổi, Son đã là mẹ của 3 đứa con thơ. Lập gia đình khi vừa tròn 17 tuổi, hoàn cảnh gia đình hai bên cũng không mấy khá giả nên đôi vợ chồng trẻ phải tự mình lo liệu cuộc sống. Những tưởng hạnh phúc gia đình lớn dần theo năm tháng nhưng khi những đứa con lần lượt chào đời, kinh tế khó khăn, thêm vào đó là sự bê tha, rượu chè của người chồng đã làm Hồ Thị Son thêm đuối sức. Những cuộc chửi vã, những lần đánh đập của người chồng dồn lên Son như cơm bữa.

Son nhớ lại: “nhiều lần chồng em say rượu, đánh đập em dữ lắm, có bữa chồng đi về kêu em bưng nước nhưng 3 đưa con nhỏ cứ quấn khóc em không lấy được, rứa là chồng đạp tới tấp vào người, làm em ngã từ trên nhà sàn xuống, nhiều trận chồng đánh đập em như chết đi sống lại. Nhiều lần em nói chồng coi con, chồng em kêu ngày xưa mẹ tao nuôi con thì ai giúp, rồi đánh chửi em...”

Và Hồ Thị Son cũng chỉ là một trong nhiều người phụ nữ ở địa phương đã từng là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình.

Trên phạm vi toàn huyện, nạn bạo lực gia đình tuy có giảm theo hàng năm nhưng thực sự đang là vấn đề nhức nhối khi nạn nhân là chủ yếu là phụ nữ, trẻ em – những đối tượng rất cần được cộng đồng, pháp luật bảo vệ. Năm 2010 toàn huyện Quảng Ninh xảy ra 540 vụ, năm 2011 xảy ra 459 vụ đến năm 2012 xảy ra 423 vụ, năm 2017 giảm còn 161 vụ bạo lực gia đình. Hình thức bạo lực xảy ra chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực thân thể... Thực trạng đó đã dẫn tới số vụ ly hôn do bạo lực gia đình tăng lên đáng kể (trong 10 năm gần đây, toàn huyện có gần 400 vụ ly hôn do bạo lực gia đình, trong đó do bạo lực thân thể chiếm gần 80%).

Năm 2016, trên địa bàn huyện, vụ bạo lực gia đình điển hình gây bức xúc trong dư luận và nhân dân là trường hợp Anh Hà Tiến Dũng ở tại thôn Vĩnh Tuy I, xã Vĩnh Ninh bạo hành con gái Hà Dương Thùy Trang gây ra nhiều chấn động tâm lý cho con trẻ...

Cùng với bạo lực gia đình, nạn xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em đã diễn ra ngay trong gia đình, trường học đến ngoài cộng đồng. Riêng ở huyện Quảng Ninh, gần đây là vụ việc hai trẻ em gái ở xã Vạn Ninh bị đối tượng xấu xâm hại đã được cơ quan công an điều tra, xử lý theo pháp luật.Và đâu đó vẫn còn nhiều hành vi chưa được phát giác để bảo vệ sự an toàn cho trẻ.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Quảng Ninh nói chung, các cấp Hội phụ nữ nói riêng đã có nhiều hoạt động lên tiếng phản đối nạn bạo lực gia đình và chung tay để bảo vệ trẻ em ...

Một trong những giải pháp phát huy hiệu quả, thiết thực là việc Hội LHPN phát triển hệ thống hòa giải viên ở cơ sở, xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình. Hiện tại toàn huyện có 126 tổ hòa giải gồm 789 thành viên, 125 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 46 mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động có hiệu quả...Công tác phối hợp, giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được các ngành, địa phương thực hiện khá chặt chẽ, chu đáo; các nạn nhân bạo lực gia đình được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, thông qua  Chương trình “Giáo dục cha mẹ tốt” đã thành lập các nhóm trẻ “Vui chơi đọc sách”, nhóm cha mẹ và nhóm trẻ U3; thông qua chương trình sinh hoạt định kỳ hàng tháng tuyên truyền các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình và xâm hi trẻ em để giúp các mẹ cùng như các em nhận biết được nguy cơ bị xâm hại, bạo lực và kỹ năng phòng, tránh... Các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân kịp thời khi được báo có nạn bạo hành xảy ra. Điển hình có vụ việc xảy ra đầu năm 2018, Hội LHPN huyện nhận được báo cáo của Hội LHPN xã Hiền Ninh về trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Chi sinh năm 1989, trú tại thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh đề nghị giúp đỡ khi bị chồng và gia đình chồng không cho em bé 1 tháng tuổi được ở gần mẹ ruột, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN xã phối hợp với Công an xã tiến hành hòa giải, đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở cùng với Hội LHPN xã hòa giải, bảo vệ quyền lợi cho hội viên.

“Thời gian qua, Hội LHPN huyện Quảng Ninh thường xuyên quan tâm đến việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình và nạn xâm hại trẻ em. Để Hội thực sự là mái nhà chung cho chị em phụ nữ, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút hội viên, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho chị em. Hiệu quả thiết thực nhất trong bảo vệ trẻ em và hội viên phụ nữ vẫn là hệ thống câu lạc bộ, hội, nhóm, địa chỉ tin cậy ở cơ sở - đó là nơi gần với chị em nhất, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ, lên tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi cần...” chị Dương Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh cho biết.

 Nhìn chung, công tác thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn còn khá lúng túng, thụ động, chưa có chế tài, trách nhiệm cụ thể, chưa được triển khai thực hiện một cách rõ nét, mới chỉ dừng lại ở bề nổi như tổ chức tuyên truyền, lồng ghép trong các sinh hoạt cộng đồng. Trong tình hình đó, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho hội viên và trẻ em trên địa bàn, hướng đến mục tiêu phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất nạn bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em.

 

Duy Hiền

ĐÀI TT – TH HUYỆN QUẢNG NINH

More