Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo ở huyện Quảng Ninh-Thực trạng và giải pháp

Font size : A- A A+

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Ninh được tăng cường đầu tư, nâng cấp, với 100% cơ sở giáo dục đều được kết nối Internet băng thông rộng và hệ thống mạng Lan, Wifi  phục vụ công tác quản lý và các hoạt động giáo dục.

Tại 53 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Ninh hiện có 386 máy vi tính phục vụ quản lý hành chính; 39 phòng tin học, với 729 máy vi tính. Hầu hết các máy vi tính đều được kết nối mạng Internet, mạng nội bộ. Mỗi trường tiểu học, trung học cơ sở có từ 1-2 phòng tin học; bình quân 22,5 máy/trường trung học cơ sở và 19 máy/trường tiểu học. Ngoài ra còn có 37 phòng học ngoại ngữ thông dụng hoặc chuyên dụng; 305 phòng học thông thường được lắp đặt tích hợp hệ thống học trực tuyến để có thể tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến đạt tỷ lệ 70,4%; tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các trường học đều có phòng họp trực tuyến...

Nhìn chung, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở giáo dục trong huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học. 100% hệ thống mạng nội bộ của các cơ sở giáo dục đã được xây dựng; 100% cơ sở giáo dục đã có hệ thống mạng Wifi giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng phục vụ công việc chuyên môn thuận tiện, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Võ Thái Hòa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tào huyện Quảng Ninh, mặc dù các cơ sở giáo dục chưa có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT), hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, chủ yếu sử dụng giáo viên dạy môn tin học để hỗ trợ kỹ thuật về CNTT nhưng cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) trực tiếp giảng dạy đều có năng lực CNTT đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, khai thác tốt tài nguyên trên Internet để phục vụ cho chuyên môn; thường xuyên tự bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT đáp ứng yêu cầu công tác dạy học. Hiện tại, toàn huyện có hơn 95% CBQL, GV có đủ điều kiện làm việc trên môi trường số. Trong dạy học, việc ứng dụng CNTT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều giáo viên đã được nâng cao kỹ năng soạn giáo án điện tử, kỹ năng sử dụng các chức năng đa phương tiện vào dạy học, linh động trong tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cùng với đó, hệ thống phần mềm bước đầu đã được các cơ sở giáo dục chú trọng trang bị, đưa vào khai thác, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả trên môi trường số, trong công tác quản trị nhà trường, quản lý giáo dục.

Các phần mềm quản lý được đưa vào khai thác có hiệu quả, dữ liệu của các cơ sở giáo dục, thông tin cán bộ, giáo viên và người học đều được số hoá. Văn bản trao đổi từ cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý chủ yếu được thực hiện qua email công vụ, giữa cơ quan quản lý nhà nước với cấp trên qua Hệ quản lý văn bản và hồ sơ công việc và email công vụ. Toàn huyện có 26/34 trường TH, THCS phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT triển khai phần mềm quản lý trường học như: vnEdu, SMAS… bảo đảm kết nối đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành GDĐT theo quy định của Bộ GDĐT. 100% cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông có trang thông tin điện tử; 100% cơ sở giáo dục phổ thông được trang bị phần mềm quản lý thiết bị, phần mềm quản lý thư viện, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử E-learning,…

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT được các cơ sở giáo dục quan tâm, nhất là trong công tác quản lý, ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến; triển khai hội nghị, tập huấn theo hình thức trực tuyến đảm bảo giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả. Các nền tảng được sử dụng chủ yếu là Zoom, Google Meet, VNPT E-learning… Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, do dịch Covid-19 nên trong thời gian học sinh nghỉ học, các cơ sở giáo dục đã tích cực, chủ động chỉ đạo giáo viên giữ mối liên hệ chặt chẽ với học sinh, hướng dẫn tự ôn tập bài ở nhà thông qua ứng dụng CNTT, sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tử, mạng Internet và các phần mềm dạy học trực tuyến, với 71.668 tiết học được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, chiếm tỷ lệ 15,7% chương trình dạy học. Hiện tại, tỷ lệ học sinh TH, THCS có đủ điều kiện học trực tuyến đạt 86,9%.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, ngành giao dục, đào tạo còn gặp một số khó khăn, tồn tại đó là một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Vẫn còn một số điểm trường chưa có đường truyền Internet tốc độ cao; Hạ tầng CNTT tại các cơ sở giáo dục đã và đang được đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, hiệu quả đạt được chưa cao. Các thiết bị CNTT đã xuống cấp, thiếu đồng bộ. Cùng với đó là nguồn nhân lực có chất lượng về CNTT trong ngành giáo dục đào tạo còn thiếu và yếu vv...

Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quảng Ninh cho biết “Với mục tiêu xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, huyện Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, toàn ngành phấn đấu đến năm 2025, thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với giáo viên và học sinh…và phấn đấu đến năm 2030, toàn ngành đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn huyện vào môi trường số…”.

 

Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo; đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; Đổi mới mô hình dạy, học; phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung; phát triển, ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy, học. Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và học sinh; huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số…, góp phần đưa ngành giáo dục, đào tạo huyện nhà ngày càng phát triển theo nhu cầu tất yếu của thời đại công nghệ số.

Ng. Khang

More