Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Một số quy định của Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 về đại diện, thời hạn và thời hiệu; nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản

Font size : A- A A+

 1. Đại diện, thời hạn và thời hiệu

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích cá nhân hoặc pháp nhân khác (gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Để quy định về đại diện bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn giao lưu dân sự; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người đại diện; quyền, lợi ích của người được đại diện và người thứ ba, pháp luật quy định như sau:

- Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện; theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật;

- Người đại diện theo pháp luật của cá nhân, pháp nhân có thể do Tòa án chỉ định;

- Pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định về thời hạn đại diện, phạm vi đại diện tại BLDS;

- Người đại diện theo ủy quyền có thể là pháp nhân;

- Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện;

- Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện thì thời hạn đại diện được xác định theo nguyên tắc: (1) Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó; (2) Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện;

- Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện xác lập, thực hiện vẫn làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện nếu người này đã công nhận giao dịch hoặc đã biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý hoặc người này có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác và được xác định bằng phút, giờ, ngày, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra.

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

BLDS 2015 quy định có các loại thời hiệu sau:

- Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

- Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

- Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

- Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Cách tính thời hiệu như sau: Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan. Tòa án không được tự mình áp dụng thời hiệu nếu không có yêu cầu của một bên hoặc các bên trong quan hệ dân sự; trường hợp một và các bên trong quan hệ dân sự có yêu cầu về việc áp dụng thời hiệu thì yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc; người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

2. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt.

3 . Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

BLDS 2015 quy định về mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, về thực hiện quyền và thời điểm chuyển quyền như sau:

- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định; quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác;

- Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại BLDS, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác; chủ thể có quyền khác đối với tài sản cũng phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc BLDS, luật khác có liên quan quy định khác;

- Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Phòng Tư pháp

More