Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Hiệu quả kinh tế vùng gò đồi ở Vạn Ninh

Font size : A- A A+

Với tiềm năng sẵn có về đất đai, thời gian qua, UBND xã Vạn Ninh đã tập trung lãnh đạo Nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế vùng gò đồi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đã mang lại hiệu quả thiết thực.   

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là xu thế tất yếu nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm qua, xã Vạn Ninh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác này và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu thực hiện chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết “Từ nhiều năm qua, UBND xã Vạn Ninh đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, tích cực đưa những nhiều loại giống mới như thanh long ruột đỏ, mảng cầu Thái vv… vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, hướng tới xây dựng một vùng kinh tế gò đồi phát triển ổn định, bền vững.

Điển hình như mô hình cây thanh long ruột đỏ được triển khai thử nghiệm từ năm 2013 tại 3 hộ gia đình của anh Trần Văn Nhân ở thôn Đại Phúc; anh Bùi Tiến Cảm ở thôn Áng Sơn và chị Bùi Thị Hoa ở thôn Đồn. Hiện mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã Vạn Ninh với diện tích khoảng 60 ha. Thanh long ruột đỏ ở Vạn Ninh được khách hàng ưa chuộng, thương lái tìm về tận các vườn để thu mua, đầu ra tương đối ổn định. Đây là cây trồng có nhiều tiềm năng, không chỉ cho năng suất, chất lượng mà hiệu quả kinh tế cao, vì vậy, chính quyền địa phương khuyến khích bà con tiếp tục nhân rộng nhằm thoát nghèo và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây na Thái cũng đang được địa phương khuyến khích nhân rộng bởi hiệu quả kinh tế mang lại. Tiêu biểu như gia đình anh Ngô Đình Minh ở thôn Phúc Sơn. Hiện nay, trên 2 héc ta đất vườn đồi, anh sở hữu 600 gốc na Thái trên 4 năm tuổi đã cho thu hoạch và khoảng 500 gốc na khác cũng đã 2 năm tuổi. Bình quân mỗi vụ gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng na Thái của anh Ngô Đình Minh không những đưa lại nguồn thu nhập khá cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn đem lại tín hiệu tích cực trong xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác ở địa phương. Ngoài thanh long ruột đỏ, na Thái, nhiều loại cây trồng khác trên vùng gò đồi, như: măng tây, mít Thái, nén, nghệ, các cây ăn quả cũng được nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi và ngày càng phát huy hiệu quả, khẳng định được hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái sản xuất nông nghiệp”.

Song song với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, việc phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi vùng gò đồi cũng được nhiều người dân ở xã Vạn Ninh chú trọng và đã khẳng định được hiệu quả. Đến nay, toàn xã có 12 trang trại có quy mô khá; 158 gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm và nhiều tổ hợp tác cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại đã góp phần vào việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội của ngày càng phát triển.

Tiêu biểu như trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng, áp trứng của gia đình ông Trần Văn Hồng ở thôn Đồn, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng. Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Võ Bình Minh, thôn Phúc Sơn, mỗi năm nuôi gần 1.000 con gà chọi; 100 con lợn thịt và lợn nái, thu lãi về từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. Trang trại chăn nuôi lợn gia đình anh Trần Văn Nhân, anh Ngô Minh Trường đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại, với hệ thống làm lạnh khép kín để chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản, đưa lại hiệu quả kinh tế cao vv…

Cùng với đó, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND xã Vạn Ninh của đã chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất xây dựng các chuỗi giá trị, các sản phẩm OCOP. Hiện nay, Vạn Ninh đã có 1 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là thịt thỏ Ruby của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát. Xã cũng đang tiếp tục đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đối với sản phẩm xúc xích Hà Thắng và xây dựng các chuỗi giá trị như thanh long ruột đỏ, na thái và các loại cây ăn quả khác.

 Trong thời gian tới, xã Van Ninh tiếp tục vận động, khuyến khích người dân tiếp tục lựa chọn những loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp như áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong trang trại lạnh, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP vv…nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, ổn định cuộc sống cho Nhân dân.

Ng. Khang

 

More