Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Đặc sắc lễ hội Bài Chòi

Font size : A- A A+

Bài chòi – đặc sản tinh thần ngày tết ở Quảng Ninh, không còn đơn giản là văn hoá dân gian mà đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong tâm hồn của biết bao người, mỗi dịp tết đến xuân về.

Huyện Quảng Ninh hiện có 4 địa phương còn lưu giữ lễ hội bài chòi vào dịp tết Nguyên đán, đó là bài chòi ở thôn Thượng( xã Võ Ninh), Quảng Xá (Tân Ninh); Lệ Kỳ 3 (Vĩnh Ninh) và TT Quán Hàu. Lễ hội thường được khai mạc từ sáng ngày mồng 1 Tết âm lịch hàng năm. Ban tổ chức chủ yếu là những cụ cao niên, am hiểu về Bài chòi.

Mở đầu hội chơi, anh hiệu cử một người giúp việc “chạy cờ”, chia quân bài cho các chòi, mỗi chòi 3 con. Anh hiệu hô vang “Bà con lặng lặng mà nghe con bài đi chợ đầu Xuân…”. Sau đó, ông rút 1 quân cờ ở trên ống tre và hát lên câu hò: “ Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một/ Như đường mía lau”, là con Hương. Lúc này, ở chòi con nào có con Hương thì gõ 3 nhịp sanh để người chạy cờ mang quân bài và lá cờ xéo tới trao. Tiếp đó, anh hiệu rút quân bài thứ 2 và cất lên lời “Ngọ môn năm cửa chín lầu/Cột cờ mấy bậc, Phú văn lâu hai tầng/ ơ hò là con Hai… Cứ thế cứ thế, cuộc chơi diễn ra cho tới lúc chòi nào ứng đủ 3 quân bài trên tay thì hô “tới” và đánh 1 hồi sanh dài. Trong 1 hội chơi bài chòi có 9 ván, nếu chòi nào thắng được 3 ván (3 cờ xéo) thì được đổi lấy 1 cờ vuông và nhận phần thưởng.

Giá trị đặc sắc của Bài chòi được thể hiện qua các trình diễn hò, hát dân gian. Tham gia hội Bài chòi, “công chúng được thưởng thức và có cơ hội hiệu biết về văn học dân gian, chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Các tích trò, câu chuyện trong Bài chòi là những bài học về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và đoàn kết dân tộc”.

Xuân đến tết về, người dân thôn Lệ Kỳ 3 khai hội đón mừng năm mới từ những ngày cuối tháng Chạp. Để giữ vui, mỗi lần mở hội, chính quyền xã Vĩnh Ninh đều có sự hỗ trợ cho ban tổ chức, ít nhất trong khâu dựng chòi. Sự hỗ trợ này cũng là thông điệp để ban tổ chức không vì áp lực tiền bạc mà rút ngắn các ván chơi, bỏ qua cái thú vị của lối hát hò, diễn xướng trong bài chòi là gọi tên mỗi con bài bằng các câu hát. Như nhiều vùng quê thanh bình khác, vào những ngày tết, làng quê Lệ Kỳ chộn rộn lắm. Trong những ngày này, hội bài chòi luôn chen kín người. Người xem chơi, người háo hức đợi chờ đến lượt. Họ chơi không phải vì sự hơn thua mà là để hoài niệm về những ngày xưa cũ.

            "Ra đi mạ có dặn rồi/ Khi mô em khóc thì đưa qua bác bôồng (bồng)!" (con Bồng);  "Trách duyên trách số trách phận của mình/ Răng không thành đôi bạn, chao ôi cái số chi mình mà xác xơ!" (con xơ)… ông TrầnMai Bá Biên, Chi hội trưởng chi hội NCT Lệ Kỳ 3 cũng là người đứng ra tổ chức hội bài chòi ngẫu hứng. Hỏi chuyện bài chòi, ông phấn khởi bảo, nhiều năm trở lại đây, cứ dịp tết, ông lại cùng mọi người tổ chức lễ hội bài chòi. Mệt thì có mệt, nhưng cũng rất vui vì trò chơi lúc nào cũng hấp dẫn được đông người tham gia và quan trọng nữa, đó là phần việc ý nghĩa mà ông có thể đóng góp để gìn giữ vẻ đẹp của trò chơi dân gian này.

Với chủ trương bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nhân dân, năm 2018, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi Thị trấn Quán Hàu đã thành lập Câu lạc bộ bài chòi. Kể từ đó cho đến nay, năm nào CLB cũng tổ chức lễ hội Bài Chòi tại Trung tâm VH-TT-TT huyện.Để hoạt động được bài bản, hội đã sưu tập và học lại cách thức tổ chức hát bài chòi.

Thường thì hội bài chòi sẽ được tổ chức vào những ngày lễ, tết, nhưng các thành viên trong Hội vẫn thường xuyên tập luyện để biểu diễn. Vào ngày Tết, khi khởi trống khai hội bài chòi, người dân và khách du xuân tập trung về Trung tâm văn hóa thể thao huyện để cùng tham gia ngày hội. Năm nay, CLB Thị trấn Quán Hàu dựng 9 chòi sắt để phục vụ người chơi, chiều cao của các chòi khoảng 1,5 - 2m, có bậc thang tiện cho việc lên xuống chòi. Mỗi vòng chơi chủ chòi phải mua vé với giá 20 ngàn đồng, và có 3 quân bài để tham gia chơi. Ông Trần Văn Ty – chủ nhiệm CLB Bài chòi Thị trấn Quán Hàu cho biết: “ Theo thống kê, vào dịp Tết,  mỗi ngày Hội bài chòi diễn ra gần 50 hội, thu hút hàng nghìn người tham gia. Bởi mỗi chòi không chỉ có 1 người tham gia chơi mà thường 3-4 người, thậm chí có chòi 8-9 người.

 

Nhạc cụ của chương trình gồm: đàn cò, kèn, một trống chiến… Cách chơi đơn giản cùng với những câu hô hò, vè vui nhộn nên hầu hết người dân ở đây ai cũng biết và thích chơi. Ông Trần Văn Cải – Tổ dân phố Trung Trinh, Thị trấn Quán Hàu chia sẻ: “Nghe tin hội bài chòi diễn ra ở Trung tâm VH-TT-TT huyện, tôi dẫn con cháu đến chơi. Ngồi trên chiếc chòi, cầm quân bài, hồi hộp nghe tiếng của anh hiệu hô, tôi như được sống lại những kỷ niệm thời thơ bé. Tôi mong rằng hội bài chòi sẽ được tổ chức hằng năm để không những thế hệ như tôi mà con cháu biết và yêu hơn di sản văn hóa phi vật thể mà cha ông để lại”.

Những tiếng hô vang của anh hiệu, điệu cười giòn tan của những người tham gia chơi, tiếng trống giục dã…càng làm cho không khí lễ hội Bài chòi náo nhiệt, tưng bừng, đầy sức sống. Có lẽ, chính không khí ấy đã mang đến một cảm xúc Tết không lẫn vào đâu được, để những ngươi “cũ” được trở về không gian “cũ”, để thể hệ trẻ được bồi đắp, “tưới mát” những giá trị tinh thân vô giá.

Hồng Nhung

More