Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Xây dựng nông thôn mới ở Duy Ninh: khi người dân đồng thuận

Font size : A- A A+
Sau 6 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một xã thuần nông còn lắm khó khăn, đến nay đời sống người dân ở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn mới được khởi sắc. Kết quả trên có được nhờ sự nổ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân.

 

Ngay khi phát động phong trào xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong xã đã cụ thể hóa các chương trình hành động của từng giai đoạn. Bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Mậu Cáp- Chủ tịch UBMTTQVN xã Duy Ninh cho biết “Để các tầng lớp nhân dân cùng đồng thuận cao, xã Duy Ninh thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tuân thủ phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Mọi chủ trương, đường lối, công việc đều được đưa ra bàn bạc công khai, lấy ý kiến của dân, không hề ép buộc gây phiền hà cho dân nên người dân thấy được lợi ích, phấn khởi đồng tình”. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, năm 2017, xã Duy Ninh nổ lực xây dựng 3 tiêu chí còn lại nhưng vô cùng khó khăn, đó là các tiêu chí trường học, thủy lợi và giao thông. Với tiêu chí trường học, nhận thấy, Duy Ninh là xã có truyền thống hiếu học, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở đây luôn quan tâm đến việc học của con em, phong trào xã hội hóa giáo dục luôn được đẩy mạnh, người dân đồng thuận nên đây cũng là thế mạnh của địa phương. Qua các năm, ngoài ngân sách của Trung ương, tỉnh đã đầu tư 5,133 triệu đồng, ngân sách huyện trên 1,387 triệu đồng, ngân sách xã trên 1,352 triệu đồng cùng các nguồn khác 5.400 triệu đồng để xây dựng nhà lớp học 2 tầng của các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở; xây dựng cổng trường và hàng rào các trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở; xây dựng khuôn viên, sửa chữa nâng cấp các phòng học, phòng chức năng đã xuống cấp, xây nhà vệ sinh ở Trường tiểu học và Trường trung học cơ sở, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học… Đến nay, cả 3 trường học trên địa bàn đềù thực sự trường  ra trường, lớp ra lớp, trường nào cũng sôi nổi phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, mỗi ngày học sinh đến trường là mỗi ngày vui. Cả ba trường đều đạt chuẩn quốc gia, riêng Trường tiểu học đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2.

Duy Ninh là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong nông nghiệp chủ yếu là sản xuất lúa gạo. Hàng năm, diện tích gieo lúa Đông- Xuân trên 317 ha, vụ Hè- Thu trên 368 ha. Để nâng cao năng suất lúa, công tác thủy lợi là yếu tố quan trọng. Mấy năm qua, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, các HTX chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo tưới tiêu nước hợp lý cho sản xuất. Bên cạnh đó, đầu các vụ sản xuất, các thôn và các HTX ra quân nạo vét, tu sửa các tuyến kênh mương để đưa nước về từng thửa ruộng. Năm 2017, Duy Ninh đã làm mới trên 1.200 m kênh mương theo hình thức kiên cố với kinh phí 1,672 triệu đồng; đưa tổng chiều dài các tuyến kênh mương được kiên cố hóa của toàn xã lên trên 19.730 m; hệ thống thủy lợi đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Năm 2017, sản lượng lương thực đạt 3,544 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 511 kg/người/năm.

Trong ba tiêu chí xã Duy Ninh phấn đấu hoàn thành năm 2017, tiêu chí giao thông nông thôn vô cùng nan giải, phức tạp, bởi mở rộng đường giao thông trong thôn xóm là động đến đất đai, cây cối và tài sản của nhiều hộ gia đình. Trong các cuộc họp dân, các Ban phát triển nông thôn đã biết lồng ghép tuyên truyền công tác làm đường giao thông nông thôn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn như Hội phụ nữ, Hội CCB, Hội nông dân, Hội Cựu TNXP, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên đã tạo được sự chuyển biến nhận thức “Sống có cộng đồng, mình vì mọi người” cho mỗi người dân.  Cùng với đó, các xóm lập ra Ban tự quản để huy động công sức, tiền bạc và giám sát công trình làm đường. Triển khai làm đường, người dân cả 6 thôn của xã Duy Ninh đã tư nguyện hiến đất, hiến cây, hiến tài sản trên đất để mở rộng đường. Nhân dân các thôn đã hiến trên 2.500 m2 đất, 3.510 cây các loại, đóng góp trên 1.230 ngày công… Chị Nguyễn Thị Uyến- Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Hiển Lộc, người đã tiên phong hiến 50 m2 đất, 30 m tường rào và một phần nhà bếp chia sẻ “ Sau khi bàn bạc công khai, dân chủ, bà con các lối xóm thống nhất với nhau là mở đường rộng theo tiêu chuẩn của trên quy định, đường qua đến đâu, nếu bị cây cối hoặc tường rào, công trình phụ che khuất thì hộ gia đình đó tự nguyện hiến đất, hiến cây, hiến tài sản để cả làng, cả xóm có con đường đi thông thoáng, chắc, đẹp, thuận tiện cho giao thông, đi lại”. Nhờ đó, quá trình triển khai làm đường giao thông nông thôn, mọi người, mọi gia đình đều hưởng ứng tích cực. Đến nay, Duy Ninh đã bê tông hóa đường trục xã, liên xã dài 7.900 m; bê tông hóa đường liên thôn và nội đồng dài 7.100m và 28. 670 m các tuyến đường trong xóm, ngõ xóm với tổng kinh phí 8,068 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 7,772 triệu đồng, các HTX và nhân dân đóng góp 1,908 triệu đồng. Qua quá trình lãnh đạo triển khai xây dựng nông thôn mới, ông Phạm  Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Duy Ninh nhận thấy “ Muốn triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất thiết phải có con người, bộ máy tốt và từng công việc phải cụ thể. Chúng tôi đã kiện toàn, tổ chức bộ máy quản lý, chỉ đạo, điều hành từ xã đến thôn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Những vị trí quan trọng phải bố trí những cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm, hết mình vì nhân dân. Quá trình triển khai phải thường xuyên tuyên truyền, vận động, mọi công việc liên quan đến dân phải công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.

Sau 6 năm xây dựng nông thôn mới, xã Duy Ninh đã cán đích, cơ sở hạ tầng ở Duy Ninh đã phát triển, diện mạo nông thôn đã thay đổi nhiều so với trước đây. Nông nghiệp phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất ngày càng được chú trọng. Các thôn, các HTX đã hỗ trợ, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững phù hợp với điều kiện của địa phương, đời sống tinh thần và vật chất của người dân ngày càng được nâng lên. Hàng ngày, sau giờ làm việc, trong các thôn xóm đều sôi nổi phong trào luyện tập thể dục thể thao, văn nghệ, tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh, ấm áp tình làng nghĩa xóm.

 

                                                                            THÁI TOẢN

More