Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

MỘT SỐ ĐIỀU QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT CẦN BIẾT TRONG PHÒNG, CHỐNG BÊNH TRUYỀN NHIỄM

Font size : A- A A+
Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 bùng phát nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại Việt Nam đã có 16 ca mắc bệnh được điều trị khỏi bệnh và nhiều trường hợp đang được cách ly. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trên địa bàn huyện Quảng Ninh có nhiều trường hợp từ vùng có dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trở về quê từ tết Nguyên đán đến nay; trong đó có nhiều trường hợp đã rời khỏi địa bàn và nhiều trường hợp đang ở tại địa bàn. Đáng chú ý là 01 trường hợp ở Hà Thiệp- Võ Ninh nhập cảnh từ Hàn Quốc về ngày 22/02/2020 có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Để cấp ủy, chính quyền các cấp và mọi người dân có thêm thông tin quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm xin trao đổi một số nội dung sau:

1. Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, thì một số thuật ngữ về bệnh truyền nhiễm được hiểu như sau:

- Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mang mầm bệnh truyền nhiễm là người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh.

- Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.

- Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo quy định của pháp luật, tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch. Trong đó, cơ quan y tế các cấp có trách nhiệm tham mưu, quản lý về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ở mỗi cấp đều phải thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch do Chủ tịch UBND làm trưởng Ban chỉ đạo; Cơ quan y tế cùng cấp là thường trực của Ban chỉ đạo. Thành viên Ban chỉ đạo gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, quân đội, công an và các cơ quan liên quan khác.

Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.

3. Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định những hành vi bị bị nghiêm cấm, đó là:

- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

4. Biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:  Cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm; Diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân; Các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm

- Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

- Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

- Thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp.

- Thực hiện các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

6. Trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm quy định của pháp luật; Tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh. Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

7. Trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Người bệnh có trách nhiệm: Khai báo trung thực diễn biến bệnh; Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

2. Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

8. Khai báo, báo cáo dịch: Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho UBND nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

9. Tổ chức cách ly y tế : Theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm: Cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định cách ly tại nhà mà không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly tập trung theo quy định của Chính phủ.ơ

Trường hợp không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10 triệu đồng theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra còn bị áp dụng cưỡng chế

Để đảm bảo an toàn cho mình, người thân và cộng đồng trước dịch bệnh Covid-19, đề nghị mọi người, mọi nhà phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh.

 

Ths. Nguyễn Quang Tuyển-PCT Hội Luật gia huyện

 

 

 

 

 

More