Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Chàng thanh niên khuyết tật đam mê tranh gạo

Font size : A- A A+

Chúng tôi về thăm anh Lê Trường Giang, ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh vào một ngày đầu tháng tư, khi anh đang cật lực hoàn thành bức tranh gạo “quê hương” để kịp giao cho khách hàng. Thấy chúng tôi, anh nở nụ cười thật hiền; gương mặt xanh xao, đầy khắc khổ, đôi bàn tay gầy gò...nhưng anh đã viết lên một bài ca về nghị lực cho những mảnh đời kém may mắn; để biết rằng, được sống, được cống hiến là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng.

Trong căn nhà nhỏ bé, câu chuyện về cuộc đời của anh thêm một lần được kể với chúng tôi. Câu chuyện có thể với nhiều người đã biết, nhưng được anh kể với một giọng điệu chậm rãi, một âm hưởng đã khác âm hưởng mà anh kể cách đây nhiều năm, tôi tin là như thế; khi mà mọi nỗi vui buồn, những ảo tưởng, sự cay đắng đã thấm lọc qua anh. 

Anh không còn nhớ rõ nữa cái ngày định mệnh ấy cách đây hơn 30 năm, không nhớ mình đã khóc, đã kêu gào, hay đã ngất lịm đi khi mảnh vụn của bom găm vào cơ thể. Có thể lúc đó, tiếng kêu của anh đã vang động khắp một ngọn đồi, để rồi những người thân trong gia đình anh mãi mãi bị ám ảnh giây phút bàng hoàng ôm lấy thân thể đứa con trai sau tai nạn kinh hoàng ấy. Mảnh bom đã gây nên bi kịch cuộc đời Lê Trường Giang. Nó khiến cho tất cả những người làng đều nghĩ rằng, cuộc đời đã đặt một dấu chấm với anh-con nhà nông dân nghèo.

 

Để chạy chữa cho anh, ba mẹ anh đã phải bán hết tất thảy những gì có thể, khánh kiệt trên hành trình chữa trị. Thời gian đó, anh Giang hồi phục dần và những tưởng mình đã có thể có được cuộc sống bình thường như bao người khác. Nhưng không! Giữa cuộc sống mới đầy ắp niềm tin vào tương lai, chẳng ai ngờ rằng, những năm sau, cơn đau tái phát triền miên. Anh phải nghĩ học năm lên lớp 9, khi trải qua hàng loạt những trận ốm “thập tử nhất sinh”. Cơ thể của anh bắt đầu teo tóp, sức khỏe giảm sút, các khớp xương bắt đầu bị vôi hóa. Ngoài đôi cánh tay vẫn có thể cử động được thì thân thể anh chỉ cứng đờ, bất động. Muốn di chuyển, anh phải tựa vào tường, tay chống gậy, rồi nặng nhọc lê bàn chân từng chút, từng chút một.

Qua nhiều năm đối mặt với tai nạn, người thanh niên 43 tuổi ấy còn lại chưa đầy 45 kg. Hơn một nửa đời người anh sống chung với những cơn đau tận thấu tim gan. Đã có lần anh nghĩ đến cái chết khi cảm thấy kiệt sức trước những bất hạnh của cuộc sống, nhưng rồi không để bất cứ điều gì quật ngã được bản thân, anh đã đứng dậy, sau mỗi nỗi đau dường như lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.  Qua thời gian chăm chỉ tập luyện, cuối cùng, đôi chân của anh đã có thể đi lại được, dù chỉ đi những bước chân khập khiễng, xiêu vẹo nhưng may mắn thay, đôi bàn tay vẫn có thể cử động bình thường. Cũng từ chính đôi bàn tay ấy đã giúp anh viết tiếp những ước mơ còn dang dở phía trước.

Và cuộc đời chẳng lấy đi của ai tất cả. Có đam mê nghệ thuật từ nhỏ, ngoài những lúc đi chăn bò, thời gian rãnh rỗi, anh nhờ người thân lên núi lấy đá để đục đẽo, tạc nên những bức tượng đầy đủ dáng hình, kích thước. Anh đã “thổi hồn” cho từng tảng đá thô ráp, xù xỉ trở nên sinh động, có linh hồn. Sản phẩm điêu khắc anh làm ra được mọi người đón nhận, tin yêu. Tuy nhiên, “bén duyên” với nghề điêu khắc một thời gian ngắn thì anh buộc phải dừng lại khi sức khỏe không cho phép. Bởi những làn gò lưng trong bụi đá đã khiến sức khỏe của anh ngày càng thuyên giảm. Từ bỏ nghề chạm khắc trong tiếc nuối, anh tìm đến với môn nghệ thuật vẽ tranh bẹ chuối nhưng do nguồn nguyên liệu khan hiếm, chẳng thể theo nghề.

Trong một lần tình cờ vào mạng, anh Giang biết đến dòng tranh bằng gạo và nghề vẽ tranh gạo “vận” vào người anh một cách tự nhiên như thế. Để hiện thực hóa giấc mơ, anh lặn lội vào tận tỉnh Kom Tum tham gia một khóa học ngắn hạn về loại tranh đặc biệt này. Nói về tranh gạo, đôi mắt của anh Giang sáng lên lấp lánh, bao buồn đau, tủi khổ vương trên khuôn mặt gầy gò trong phút chốc dường như tan biến cả. Để thổi hồn vào bức tranh gạo, tất tần tật mọi công đoạn đều tự anh thực hiện, từ lựa chọn nguyên liệu, rang gạo cho đến bước lên khung tranh. Gạo dùng để làm tranh phải là những hạt to dài, đủ ngày, không phải loại gạo chín ép, hạt mẩy tròn. Sau khi chọn được nguyên liệu vừa ý, khâu rang gạo được xem là quan trọng nhất. Để hạt gạo rang được đều màu, anh Giang phải xử lý nhiệt độ hết sức khéo léo để từ một hạt gạo màu trắng dần chuyển sang trắng sữa, trắng ngà, vàng mơ, vàng đậm, nâu nhạt, nâu đậm, nâu đen và đen…Sau khi gắn gạo lên tranh, để bức tranh được bền, đẹp, có độ bóng, anh Giang dùng keo bóng phết lên bề mặt của bức tranh. Vì thế, các bức tranh gạo của anh có độ bền khá cao, có những bức đã treo cả chục năm nhưng màu sắc vẫn còn tươi mới.

Mỗi khi vẽ, anh không ngồi, cũng chẳng thể quay đầu, xoay lưng, anh vừa làm tranh, vừa phải đứng, đến lúc cả thân thể mỏi nhừ, không trụ vững được nữa mới nghỉ tay. Ngày “làm bạn” với hạt gạo, đêm về cơ thể cứng đơ, đau đớn khôn tả. Ấy vậy mà sáng mai thức giấc, anh lại bắt tay với những tác phẩm mới, như chẳng hề có điều gì xảy ra. Mỗi bức tranh, anh Giang phải làm cật lực 4-5 ngày mới hoàn thành, còn những bức tranh đòi hỏi sự cầu kỳ, kỹ thuật cao thì phải mất từ 10-15 ngày mới xong.

Gần 10 năm theo đuổi đam mê tranh gạo, “gia tài” của anh là hàng trăm bức tranh với đầy đủ thể loại, từ phong cảnh quê hưởng cho đến những bức chân dung nhân vật. Tác phẩm mà anh tự hào và trân quý nhất chính là bức tranh về bác Hồ và bác Giáp. Bằng nỗ lực không ngừng nghĩ của mình, anh được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt kho vươn lên trong học tập và lao động giai đoạn 2013-2015; UBTW Hội LHTNVN tặng bằng khen gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2016.

Có thể nói, hành trình vượt qua số phận của Lê Trường Giang là một hành trình khó khăn và diệu kỳ, nhưng trong giây phút ngồi với anh dưới mái nhà nhỏ, nghe anh trải lòng, xem cách anh chăm chút từng hạt gạo…, tôi mới nhận ra có một điều đáng để nói hơn về anh, là hành trình anh vượt qua chính mình. Hành trình ấy khổ đau hơn, quả cảm hơn rất nhiều nỗ lực không ngừng trong lao động nghệ thuật của anh. Với hoàn cảnh này, anh Lê Trường Giang đã tự mở ra cho mình cánh cửa khác, để không bị giam cầm trong ngôi nhà chật hẹp của số phận, để vẫn có thể hòa nhập với cuộc sống và sự tự do mà một con người xứng đáng được nhận.

Hồng Nhung

More