Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Đảng bộ huyện Quảng Ninh – 75 năm xây dựng và trưởng thành

Font size : A- A A+
Ngày 7/11/1945, tại đình làng Võ Xá, Đảng bộ huyện Quảng Ninh ra đời, mở ra thời kỳ mới: công khai và trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng. Ngay sau khi ra đời, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện Quảng Ninh được khẳng định là hạt nhân nòng cốt trong phong trào cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ ở địa phương. Trải qua hơn 7 thập kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trung tâm huyện Quảng Ninh

 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân huyện Quảng Ninh đã động viên hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc, của quê hương Quảng Ninh và trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm; tình đoàn kết quân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ninh hôm nay và mãi mãi mai sau.

Năm 1977, Quảng Ninh, Lệ Thủy được hợp nhất thành huyện Lệ Ninh. 13 năm chung sức xây dựng, các Đảng bộ cơ sở và Nhân dân Lệ Ninh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống, từng bước thực hiện công cuộc đổi mới và đã có những chuyển biến tích cực.

Ngày 01/7/1990 huyện Quảng Ninh chính thức được tái lập, đánh dấu một sự kiện quan trọng của lịch sử huyện nhà, ngày mà Quảng Ninh trở về với tên gọi của chính mình Quyết định 190/QĐ-HĐBT, ngày 01/6/1990 của Hội đồng Bộ trường (nay là Chính phủ).

Ngày đầu tái lập huyện, ngày trở về Quán Hàu - trung tâm hành chính huyện, với bao bộn bề, khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng lạc hậu thiếu thốn, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đảng bộ Quảng Ninh đã phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, xác định nhiệm vụ xây dựng kết cầu hạ tầng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Ninh với khẩu hiệu đề ra ngay từ ngày đầu: “Đoàn kết, đổi mới, tiến lên” xây dựng 8 cốt vật chất “Đồng - đồi - điện - đường - xưởng - trường - trạm - chợ” gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, với 8 cốt chủ thể của hệ thống chính trị “ Huyện - xã - thôn - chi bộ, hộ - hợp - hội - đoàn” tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng huyện từng bước ổn định và phát triển.

75 năm xây dựng và trưởng thành, trãi qua 25 kỳ đại hội, mỗi lần đại hội là một dấu mốc mới trên chặng đường phát triển, khẳng định rõ hơn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Từ chỗ chỉ có 3 chi bộ trực thuộc và 15 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện có 46 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, trên 7000 đảng viên. Chặng đường qua, nhất là sau 30 năm tái lập huyện, Đảng bộ Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể, vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh, vừa phát huy nỗ lực của địa phương, vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gắn bó mật thiết giữa Đảng - Nhân dân được tăng cường là cơ sở vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Quảng Ninh. Đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội. Tổng sản lượng lương thực đến năm 2020 đạt 50.000 tấn; toàn huyện có 1.500 ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 21%/năm và đến năm 2020 đạt 200 tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người đạt 43,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 2%/năm. Huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; gần 86% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ che phủ rừng đạt 72%.

Thành công từ công tác dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí. Đến năm 2020, trung bình mỗi hộ sản xuất có 2 thửa lớn, diện tích bình quân 0,15 ha/thửa. Sau dồn điền đổi thửa, Quảng Ninh đã xây dựng nhiều cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất liên kết sản xuất. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, bước đầu đã xây dựng được một số sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, tiêu biểu như: gạo Vĩnh Tuy, dưa hấu Hàm Ninh, mật ong Trường Xuân, khoai deo Hải Ninh, trồng rau sạch, trồng hoa ở Võ Ninh, Gia Ninh, đưa lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, dưa hấu Hàm Ninh có doanh thu hơn 300 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 25 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm có khả năng tham gia chương trình OCOP.

Chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng tập trung, khép kín, gắn với an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường; hiện có 3 doanh nghiệp, 22 trang trại và trên 300 gia trại chăn nuôi. Toàn huyện có 682 tàu, thuyền khai thác biển; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản chuyên canh 475 ha, tăng 300 ha so với năm 1991, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng đạt 5.100 tấn/năm, tăng bình quân hơn 5%/năm.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, Quảng Ninh có 10/14 xã về đích nông thôn mới, đứng thứ hai toàn tỉnh Quảng Bình.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện đã từng bước xây dựng được các cụm công nghiệp, cụm làng nghề như: cụm công nghiệp Áng Sơn (Vạn Ninh); cụm công nghiệp, làng nghề Tây Bắc thị trấn Quán Hàu; Nhà máy xi măng Vạn Ninh thuộc Tổng công ty Vicem Hải Vân công suất 50 vạn tấn/năm; Công ty TNHH S&D Quảng Bình thuộc Tổng Công ty May 10 sản xuất gần 6 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Long Giang sản xuất 780 tấn tinh bột/năm, Nhà máy gạch Tuynen Vĩnh Ninh sản xuất 10 triệu viên gạch/năm, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập ổn định, nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 – 2020, du lịch của huyện Quảng Ninh đã có chuyển biến tích cực. Đại Dự án của FLC tại Hải Ninh với sân golf 36 hố hoàn thành đã đưa Quảng Ninh vào bản đồ du lịch của Việt Nam. Bên cạnh đó, các di tích, danh thắng như Đền tưởng niệm liêt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại, nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Non núi Thần Đinh, Khe Nước Lạnh ngày càng được du khách quan tâm. Việc học hành của con em luôn được quan tâm.

Mạng lưới trường lớp được sắp xếp hợp lý và đầu tư đồng bộ. Chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học ngày càng tăng, luôn ở trong nhóm đầu của tỉnh Quảng Bình. Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, vừa phục vụ đời sống tâm linh, văn hóa của bà con Quảng Ninh, vừa phục vụ phát triển du lịch, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang - Nhật Lệ, lễ hội chùa Thần Đinh, lễ hội cầu mùa Hải Ninh, lễ hội rằm tháng Giêng.

Quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nắm chắc và dự báo chính xác tình hình, không để bị động trong mọi tình huống. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, có nhiều điểm sáng về an ninh nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được chăm lo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp ủy các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện đi vào chiều sâu các chủ trương, giải pháp, cách làm mới về công tác xây dựng Đảng đã được đề ra trong những năm đầu nhiệm kỳ, được thực tiễn khẳng định là sáng tạo, hiệu quả như: thực hiện Quy chế và Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ; thực hiện cam kết trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh gửi đến Huyện ủy; thực hiện sinh hoạt chi bộ “Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trọng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với sinh hoạt chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; tăng cường kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm cách một cấp; cơ chế người đứng đầu cấp ủy đối thoại với cán bộ, đảng viên và Nhân dân; cơ chế cấp ủy theo dõi, chỉ đạo các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ...), đã có tác động thiết thực, làm chuyển biến mạnh mẽ các mặt công tác xây dựng đảng, khẳng định rõ hơn mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, nâng cao năng lực, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Những thành tựu và tiến bộ đã đạt được về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng trên chặng đường cùng cả nước đi lên CNXH, đặc biệt là sau 30 năm tái lập huyện đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, khẳng định vai trò, vị trí của Quảng Ninh trong sự phát triển của cả tỉnh, khẳng định ý chí tự lực, tự cường, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và sự vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh. Quân và dân huyện Quảng Ninh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương độc lập hạng Nhì. Toàn huyện có 208 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng” và nhiều tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Dẫu vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, song kết quả của những nỗ lực trong những năm qua là tiền đề rất quan trọng cho sự bứt phá trong những năm tiếp theo.

BH

More