Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Hiệu quả từ mô hình trường học bán trú ở xã Trường Sơn

Font size : A- A A+

Nhằm rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các trường miên núi và các trường đồng bằng, tháng 8 năm 2012, huyện Quảng Ninh chuyển đổi trường THCS Trường Sơn sang mô hình bán trú. Từ đó đến nay, chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh từng bước được nâng lên, mô hình bán trú đã được nhân rộng.

Trường Sơn là một xã miền núi nằm ở phía Tây của huyện, xã có diện tích tự nhiên lớn nhất trong huyện với 77.961,78 ha chiếm 65,01% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện có vị trí địa lý: phía Đông giáp xã Trường Xuân, phía Tây giáp với nước CHDCND Lào, phía Bắc giáp huyện Bố Trạch, phía Nam giáp xã Lâm Thủy huyện Lệ Thủy. Đặc biệt, đến mùa mưa lũ nhiều thôn, bản không đi lại được. Toàn xã có 1.246 hộ, 5.195 khẩu được phân bổ rải rác trong 19 thôn, bản; xã có 02 dân tộc đang sinh sống. Trong đó dân tộc Vân Kiều có 742 hộ, với 3.212 khẩu chiếm 61,8% tổng dân số trong toàn xã; dân tộc Kinh có 504 hộ, với 1.929 khẩu. Đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều còn đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các bản sâu, xa nằm dọc tuyến biên giới, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các bản mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, các điều kiện để phát triển KT-XH đang gặp khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo chiếm 56,8%. Các bản chủ yếu sống xa trung tâm xã, xa trường học, đặc biệt có bản Dốc Mây giáp biên gới Việt- Lào, đi qua khe suối, đèo dốc, đá tai mèo phải mất hơn nửa ngày đường trèo đèo, lội suối. Trước năm 2012, các em học sinh đến trường quá vất vả, không yên tâm học, nhiều em bỏ học, việc huy động sĩ số và chất lượng giáo dục của trường đạt thấp. Huyện Quảng Ninh đã quyết định chuyển đổi trường THCS Trường Sơn thành trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở (PTDT BT THCS) Trường Sơn. Trường hoạt động theo mô hình trường chuyên biệt, vừa dạy học, giáo dục theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS vừa tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh người dân tộc Vân Kiều. UBND huyện và các cấp chính quyền đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng nhà ở có đủ các phòng nghỉ, ngủ, bếp nấu, nhà ăn, công trình vệ sinh hợp vệ sinh. Các chế độ chính sách giành cho giáo viên và học sinh ăn ở bán trú, nội trú được cấp đầy đủ, kịp thời theo quy định của chính phủ. Do nhiều học sinh ở xa nhà, đi lại vất vả khó khăn nên mỗi em ở lại nội trú được hỗ trợ 15 kg gạo và 596.000 đồng tiền ăn mỗi tháng. Những học sinh có người thân, bà con có nhà ở gần trường được ăn ở theo chế độ bán trú dân nuôi, hàng tháng được hỗ trợ thêm tiền nhà ở. Ngoài các chế độ của nhà nước, từ năm học 2019-2020 đến nay lãnh đạo nhà trường nỗ lực tuyên truyền, vận động, kêu gọi xã hội hóa giáo dục bằng các nguồn lực xã hội, các tập thể và cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm sách vở, dụng cụ học tập, áo quần, chăn màn, học bổng để tiếp sức, tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường, hỗ trợ tăng trưởng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bán trú với tổng kinh phí ước tính hơn 500 triệu đồng. Cùng với việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy học, xây dựng khuôn viên trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn tạo điều kiện cho học sinh vui chơi, an tâm đến trường, trường PTDTBT THCS Trường Sơn còn chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh ăn ở nội trú, bán trú, hằng năm có từ 60-75 học sinh nội trú tại trường. Trường thực hiện tốt nội quy sinh hoạt trong khu nội trú, phân công các tổ giáo viên trực cả ngày và đêm tại khu nội trú để hướng dẫn, giúp đỡ các em về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giúp các em biết tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Trường có tổ nấu ăn, cấp dưỡng hàng ngày cho các em. Cô Nguyễn Thị Hường- phụ trách bếp ăn cho biết “Tuy ở xa đồng bằng nhưng trường đã hợp đồng có điều kiện thực phẩm sạch, hàng ngày ô tô chuyên chở các loại thực phẩm sạch như rau, cá, thịt…từ Thành phố Đồng Hới lên để chế biến. Bữa ăn của học sinh luôn đảm bảo khẩu phần, hợp vệ sinh và thường xuyên thay đổi các món ăn. Ngoài ra, khu nội trú có “Vườn rau tự quản” với diện tích 160 m2 đất. Trước giờ đi học sáng và sau giờ học chiều các em tự ra vườn rau làm cỏ, bắt sâu, tưới nước, tỉa dặm chăc sóc rau. Bên cạnh đó, hàng năm các em ở nội trú chăn nuôi được 300kg lợn thịt, trên 50 gà và vịt để cải thiện thêm.” Nhờ đó các em yên tâm ở lại trường, yên tâm học tập, các bậc phụ huynh yên tâm khi con em được đến trường. Tỷ lệ học sinh đến trường luôn được duy trì trên 99%, tạo thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục và các hoạt động tập thể. Cùng với chất lượng đại trà được nâng lên, trong 5 năm học lại đây, trường luôn có học sinh tham gia đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, đặc biệt năm học 2019-2020 trường có 01 em đạt giải HSG văn hóa lớp 9 cấp tỉnh. Chất lượng HS năng khiếu đạt cao, từ năm học 2014-2015 đến năm học 2021-2022 luôn đạt giải đồng đội thể thao cấp huyện (02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 04 giải Ba); Đạt 184 giải cá nhân cấp huyện (56 giải Nhất, 65 giải Nhì, 51 giải Ba, 12 giải Khuyến khích); đạt 24 Huy chương cấp tỉnh (6 HCV, 6 HCB, 12 HCĐ); đạt 9 Huy chương cấp quốc gia về môn bơi lội, bóng chuyền (05 HCB, 04 HCĐ). Tham gia “Giao lưu học sinh dân tộc” liên tục 3 năm đạt giải Nhất toàn đoàn (từ năm học 2016- 2017 đến năm học 2018- 2019). Trường còn thành lập Câu lạc bộ văn nghệ- thể thao, nhiều học sinh nội trú, bán trú hăng hái, tự tin tham gia. Em Hồ Thị Hạnh- học sinh lớp 9 vui mừng kể “Em rất vui, rất thích ăn ở tại trường. Tại đây, các em được học tập, ăn, ngủ đúng giờ. Các thầy cô thường xuyên động viên, giúp đỡ, bày vẻ cho các em từng ly từng tý trong cuộc sống. Ngoài ra, hàng ngày các em được tập luyện các môn thể dục, thể thao, tập múa hát, văn nghệ, được giao lưu… Đây chính là ngôi nhà thứ 2 của chúng em”.

 Với lợi thế, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường do xa nhà nên ở lại tại trường, các thầy cô có điều kiện gần gủi, chăm sóc, hướng dẫn các em từ khâu học tập trên lớp, học ban đêm ở khu nội trú và tập luyện các môn thể thao như bơi lội, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, cầu lông, điền kinh. Đây cũng là thế mạnh của trường khi tham gia, giao lưu ở huyện. Ngoài ra, mỗi tuần trường tổ chức cho các em hoạt động văn hóa, văn nghệ và hàng năm tổ chức nhiều lần giao lưu với địa phương, với Đồn biên phòng Làng Mô, giao lưu học sinh dân tộc với các đơn vị bạn.

Sau giờ học,  các em học sinh ở nội trú cùng nhau chăm sóc vườn rau và làm đất trồng rau vụ mới.

 

Thầy giáo Nguyễn Hải Dương- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ “Từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, mang tính nội trú thì hạn chế được tình trạng học sinh đi học chậm, bỏ học; tỷ lệ chuyên cần được nâng cao, năm 2018, xã Trường Sơn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ III đến nay tiếp tục củng cố vững chắc. Cha mẹ các em đỡ bận rộn theo sát con em, an tâm lao động sản xuất. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh được mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn, tự tin, rèn luyện kỹ năng sống, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô, quen với nếp sống tự lập; góp phần quan trọng thay đổi tập tục lạc hậu, giúp các em phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho các em, nâng cao chất lượng giáo dục”.

Trường PTDTBT THCS Trường Sơn đoạt giải Nhất trong lần giao lưu học sinh dân tộc thiểu số.

 

Khẳng định mô hình trường học bán trú, nội trú của trường PTDTBTTHCS Trường Sơn mang lại hiệu quả cao, UBND huyện Quảng Ninh, Phòng GD& ĐT Quảng Ninh đã nhân rộng ra ở trường PTDTBT Tiểu học Trường Xuân rồi đến trường PTDTBT Tiểu học Trường Sơn. Đến năm học 2019- 2020, ở vùng đồng bằng, Trường Tiểu học thị trấn Quán Hàu cũng đã triển khai trường học bán trú dưới hình thức dân nuôi. Các bậc phụ huynh yên tâm công tác, sản xuất. Các em đã được đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường chăm sóc sức khỏe cũng như ăn uống có nền nếp, hợp vệ sinh, chất lượng dạy và học hai buổi/ ngày có nhiều thuận lợi.

More