Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Các hành vi bạo lực gia đình; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình

Font size : A- A A+
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Quy định này nhằm tạo cơ sở phân biệt với hành vi bạo lực khác cũng như để xác định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong bạo lực gia đình.

 1. Các hành vi bạo lực gia đình

Các hành vi bạo lực gia đình gồm có 4 nhóm chính:

- Nhóm 1: nhóm hành vi bạo lực về thể chất: bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.

- Nhóm 2: nhóm hành vi bạo lực về tinh thần: bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

- Nhóm 3: nhóm hành vi bạo lực về kinh tế: bao gồm chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.

- Nhóm 4: hành vi bạo lực về tình dục: là hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục.

Cụ thể, theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình, các hình vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

2. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình

2.1. Quyền của nạn nhân bạo lực gia đình

Nạn nhân bạo lực gia đình là người bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng, bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm và các tổn hại khác do hành vi bạo lực gia đình gây ra. Vì vậy, việc quy định các quyền của nạn nhân bạo lực gia đình nhằm hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, giúp nạn nhân bạo lực gia đình nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình khi bị xâm hại bởi hành vi bạo lực gia đình. Các quyền của nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở đây được hiểu là cơ quan nơi nạn nhân bạo lực gia đình công tác, làm việc; các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi nạn nhân bạo lực gia đình cư trú, sinh sống, Tòa án và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan nói trên.

- Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc. Pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định các biện pháp này bao gồm: phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình; cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình (cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân).

- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật. Việc được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý nhằm bảo đảm nạn nhân bị bạo lực gia đình được chữa trị, ổn định sức khỏe và tinh thần. Việc tư vấn về pháp luật giúp nạn nhân bạo lực gia đình nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

- Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật. Đây là biện pháp mang tính cách ly, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nạn nhân bạo lực gia đình.

2.2. Nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình

Đồng thời với việc được những hưởng quyền nêu trên, nạn nhân bạo lực gia đình phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.

B. TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỲ 2 THÁNG 10

CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ, HỖ TRỢ NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện thông qua các biện pháp sau:

1. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

Theo quy định của pháp luật, người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư (Trưởng thôn, làng, bản, ấp, phum, sóc tổ trưởng tổ dân phố…) nơi xảy ra bạo lực.

Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

2. Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ:

Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng kịp thời để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gia đình gây ra, bao gồm:

+ Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình;

+ Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình;

+ Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình;

+ Cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (sau đây gọi là biện pháp cấm tiếp xúc).

            Biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện các hành vi sau đây: Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30 m; trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân; sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.

Cấm tiếp xúc không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và chỉ được áp dụng trong trường hợp gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân nhằm bảo vệ nạn nhân, phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng hơn nữa có thể xảy ra.

Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp này là: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình; Tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình.

Về thời hạn áp dụng: tối đa 03 ngày đối với trường hợp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã áp dụng, không quá 04 tháng đối với trường hợp do Tòa án áp dụng.

3. Chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng là một trong các biện pháp cần thiết để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Theo đó, khi khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nạn nhân bạo lực gia đình được xác nhận việc khám và điều trị nếu có yêu cầu. Chi phí cho việc khám và điều trị đối với nạn nhân bạo lực gia đình do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với người có bảo hiểm y tế. Nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình; trường hợp phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

4. Tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình

Nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, ứng xử trong gia đình, pháp luật và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình. Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện việc tư vấn phù hợp cho nạn nhân bạo lực gia đình.

5. Hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia đình

Trong trường hợp trên nạn nhân bạo lực gia đình được cung cấp nơi tạm lánh, hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu bao gồm cung cấp đồ ăn, nước uống, cung cấp hoặc cho mượn quần áo, chăn màn và các đồ dùng thiết yếu khác. Ngoài ra, nạn nhân bạo lực gia đình còn được chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý.

Uỷ ban nhân dân cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội khác tại địa phương và các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình thực hiện hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp cần thiết.

Phòng Tư pháp

More