Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Một số quy định của Bộ Luật Dân sự về bảo vệ quyền sở hữu, quyến khác đối với tài sản

Font size : A- A A+
Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được hiểu là “những biện pháp tác động bằng pháp luật đối với hành vi xử sự của con người qua đó đảm bảo cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu của mình” . Hệ thống pháp luật của Việt Nam không chỉ dành chức năng bảo vệ quyền sở hữu cho riêng chuyên ngành Luật dân sự, việc bảo vệ quyền sở hữu còn là nhiệm vụ và đối tượng điều chỉnh của các ngành luật mang tính chất “công quyền”:

 - Luật hành chính bảo vệ quyền sở hữu bằng cách quy định trình tự, thủ tục nhằm quản lý và bảo vệ tài sản của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu được ngành Luật này điều chỉnh bằng việc xây dựng các quy phạm chứa đựng các bộ phận chế tài như: thu hồi tài sản, xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ: Một sinh viên trộm cắp của bạn 500.000 đồng và bị phát hiện. Hội đồng kỷ luật của Nhà trường đã xét và người có thẩm quyền đã ra quyết định cảnh cáo toàn trường.

- Luật hình sự bảo vệ quyền sở hữu bằng cách quy định các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong nhóm các tội danh xâm phạm quyền sở hữu và khung hình phạt tương ứng. Dựa vào đó, có thể biết hành vi nào được coi là tội phạm và người thực hiện hành vi đó phải chịu mức hình phạt nào. Ví dụ: Hành vi lén lút trộm cắp tài sản của người khác có trị giá từ hai triệu trở lên thì có thể sẽ bị  phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

- Luật dân sự quy định chủ sở hữu, chủ thể khác đối với tài sản có thể thực hiện các phương thức bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bằng các biện pháp sau:

Một là, có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

Hai là, có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

- Quyền đòi lại tài sản: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

+ Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Ví dụ: A cho B mượn xe đạp, B bán cho C, lúc này C không biết B không phải chủ sở hữu thực sự của chiếc xe, C không phải trả lại xe cho A.

+ Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình: Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015, đó là các trường hợp:

(i) Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

(ii) Trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại hai trường hợp nêu trên nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: A và B là vợ chồng, trong thời gian A xuất khẩu lao động và bị thất lạc, B yêu cầu Tòa án cho ly hôn, trong quyết định của Tòa, B là chủ sở hữu ngôi nhà trước đây hai vợ chồng chung sống (thực chất ngôi nhà là tài sản riêng của A). Sau khi có quyết định của Tòa, B bán ngôi nhà cho C; khi quay trở về A kháng cáo, Tòa hủy quyết định chia tài sản trước đó, nhưng A không kiện đòi C mà phải kiện yêu cầu B bồi thường thiệt hại.

- Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản:

Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.

Điều kiện áp dụng phương thức này bao gồm:

Điều kiện thứ nhất, hành vi cản trở việc thức hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp vẫn đang diễn ra.

Điều kiện thứ hai, hành vi cản trở phải là hành vi trái pháp luật.

Điều kiện thứ ba, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền năng của mình đối với tài sản do có hành vi cản trở trái pháp luật. Ví dụ: A và B là hàng xóm, do xích mích, B dùng hàng rào cấm xe chở nguyên vật liệu A thuê để xây nhà đi qua cổng nhà B.

- Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp tài sản không còn do bị tiêu hủy, bị mất hoàn toàn giá trị; chủ sở hữu không thể xác định được tài sản đang nằm trong sự chiếm hữu của ai hoặc thuộc vào trường hợp người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình không phải trả lại tài sản thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chỉ có thể lựa chọn phương thức kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Phương thức này có mục đích buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu phải bù đắp tổn thất, khắc phục giá trị tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có tài sản bị xâm phạm. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp khi áp dụng phương thức này phải cung cấp chứng cứ thỏa mãn bốn điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất, phải có thiệt hại xảy ra: Đây là điều kiện cần, điều kiện tiên quyết và buộc phải có trước, chỉ khi tài sản bị thiệt hại (bị giảm sút giá trị, bị hủy hoại…) thì mới đặt ra yêu cầu cần khôi phục giá trị đã mất. Ví dụ: B trộm xe máy của A trong quá trình chiếm hữu bất hợp pháp B gây tai nạn khiến xe của A bị hư hại hoàn toàn.

Điều kiện thứ hai, có hành vi xâm phạm quyền trái pháp luật : là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật, không tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người khác ví dụ như: trộm, cướp, đập phá tài sản không phải của mình... Nếu như hành vi gây thiệt hại cho tài sản của người khác là yêu cầu nhiệm vụ, công vụ hoặc gây thiệt hại phù hợp giới hạn của phòng vệ chính đáng, trong yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. Ví dụ: Cảnh sát trong quá trình truy bắt băng đảng tội phạm làm hỏng xe của người đi đường; bác sỹ cắt bỏ trang phục của người bệnh bị tai nạn lao động khi phẫu thuật cho người này; cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm hỏng ti vi của chủ nhà trong quá trình phun nước dập lửa đám cháy…

Điều kiện thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi xâm phạm quyền sở hữu trái pháp luật: Mối quan hệ nhân quả được hiểu, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trái pháp luật phải là nguyên nhân, xuất hiện trước làm phát sinh thiệt hại đối với tài sản, không có hành vi sẽ không có thiệt hại. Thiệt hại là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật. Nếu thiệt hại không do hành vi trái pháp luật gây ra thì người có hành vi trái pháp luật đó không phải bồi thường. Ví dụ: A thù B cài mìn vào xe B nhằm phá hủy chiếc xe, nhưng mìn kém chất lượng không nổ, xe của B dò xăng do lỗi kỹ thuật sản xuất làm xe cháy và hư hoại hoàn toàn trường hợp này A không phải bồi thường cho B.

Điều kiện thứ tư, phải có lỗi: Lỗi là trạng thái tâm lý của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Nếu gây thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại thì người gây ra thiệt hại sẽ không phải bồi thường. Ví dụ: A đang lưu thông trên đường tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật giao thông, B lùa đàn vịt của mình qua đường quốc lộ khiến A không kịp tránh đâm chết 5 con vịt của B. Trường hợp này A không phải bồi thường do lỗi hoàn toàn thuộc về B.

Trường hợp tài sản bị thiệt hại không do hành vi trái pháp luật của con người mà do sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản thì cần phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và sự tác động của tài sản gây thiệt hại. Ví dụ: A và B thù nhau biết nhà A nuôi gà, nhà B thả chó, chó nhà B cắn chết gà nhà A. B phải bồi thường thiệt hại cho A.

Sau khi thỏa mãn các điều kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp tài sản có thể nhận được mức bồi thường phù hợp theo quy định.

Phòng Tư pháp

More