Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Vĩnh Ninh: Cán đích nông thôn mới, kinh nghiệm từ nêu cao tính tiên phong

Font size : A- A A+
Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2015, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh đã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí. Rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thành công chương, các đồng chí lãnh đạo xã Vĩnh Ninh cho rằng kinh nghiệm quan trọng nhất vẫn xuất phát ở tính tiên phong.

 Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ninh, Ông Hà Châu phấn khởi cho biết: “Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mục tiêu của xây dựng nông thôn mới, xã đã cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ các tiêu chí sau đó lựa chọn, ưu tiên xây dựng các hạng mục công trình trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cách làm này đã nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào cuối năm 2015 là một nỗ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân xã nhà. Sự đồng thuận là một trong những nguyên nhân quan trọng để xã nhà thực hiện thành công chương trình, nhưng kinh nghiệm lớn nhất rút ra trong quá trình triển khai thực hiện có lẽ ở chỗ luôn nêu cao tính tiên phong".

Xác định xây dựng nông thôn mới là Chương trình quan trọng tác động trên tất cả các lĩnh vực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân, vì vậy, trong 5 năm bắt tay thực hiện Chương trình, xã đã tập trung chọn các tiêu chí có tác động trực tiếp đến người dân nhất và có vai trò làm lực đẩy cho các tiêu chí khác để ưu tiên thực hiện. Vĩnh Ninh là một xã thuần nông với diện tích tự nhiên hơn 5.120 ha, có 09 thôn, 1732 hộ và 7.384 nhân khẩu. Từ xuất phát điểm ban đầu của xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí, Đảng bộ, Chính quyền xã Vĩnh Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, phát huy nội lực của địa phương, tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn,  các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với tổng kinh phí trên 230 tỷ đồng trong đó: Ngân sách cấp trên đầu tư hơn 215 tỷ đồng (công trình đập troóc trâu 157 tỷ đồng, nâng cấp hồ điều gà 13,5 tỷ đồng, kè tả Nhật Lệ 30 tỷ đồng ); Ngân sách xã 10,5 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp 3,5 tỷ đồng; Các nguồn hỗ trợ khác 1 tỷ đồng. Phong trào hiến đất, hiến tài sản phục vụ xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Cùng với đó, xã đã chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó tăng cường các chính sách hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa… Nhờ đó, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 55 tạ/ha; 360 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn giải quyết việc làm cho hơn 550 lao động. Từ mức thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng/người/năm vào năm 2011, đến năm 2015 người dân trên địa bàn xã đã có mức thu nhập 32 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị, an ninh trật tự được giữ vững và phát huy; văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đúng mức... Trong hơn 4 năm thực hiện Chương trình, ngoài các công trình xây dựng do các cấp đầu tư, địa phương đã huy động hơn 74,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó nhân dân đóng góp hơn 38 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2015, Vĩnh Ninh được đánh giá thực hiện thành công 19 tiêu chí xây dụng nông thôn mới và ngày 11/12/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định 3565/QĐ-UBND công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là một trong 03 xã của huyện Quảng Ninh thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015.

Một bộ mặt nông thôn với nhiều đổi mới đó là nhờ hưởng lợi từ chương trình – nhiều người dân xã Vĩnh Ninh phấn khởi chia sẽ với chúng tôi.

Rút ra những bài học kinh nghiệm từ thành công chương trình, ông Hà Văn Chút, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, sau khi hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã đã rút ra 5 kinh nghiệm cơ bản đó là: thứ nhất phải phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực, vận động sức dân, tạo sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, muốn làm được điều đó trước hết phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu trong mỗi tổ chức, cơ quan và khu dân cư. Thứ hai là phải nêu cao tính dân chủ, công khai và minh bạch. Thứ ba là làm tốt công tác tuyên truyền vận động. Thứ tư là chăm lo công tác chính trị tư tưởng, đào tạo bồi dưỡng kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ từ cơ sở. Và phải chủ động khai thác linh hoạt và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực ...

 Trong những kinh nghiệm được rút ra đó, cũng theo ông chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh, để chương trình được triển khai tập trung, đẩy nhanh được tiến độ và có hiệu quả thiết thực thì yếu tố nêu cao tính tiên phong gương mẫu vẫn là kinh nghiệm quan trọng nhất. Khi "đảng viên đi trước", mọi công việc từ vận động nguồn vốn, hiến đất, hiến tài sản, vận động nhân dân chung tay góp sức đều được triển khai có hiệu quả hơn, quan trọng nhất vẫn là tạo và củng cố được niềm tin của nhân dân đối với chương trình.

Hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Ninh, để duy trì và phát huy được thành quả của chương trình trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ và chính quyền xã Vĩnh Ninh sẽ vận dụng có hiệu quả những kinh nghiệm được rút ra để xây dựng nông thôn ngày càng khởi sắc, nâng cao đời sống cho nhân dân.

 

Duy Hiền

More