Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Chuyện nữ bí thư chi bộ làm tốt công tác Dân vận khéo

Font size : A- A A+
“ Làm việc gì có lợi cho dân thì mình cứ làm”, đó là phương châm của chị Trần Thị Sương- bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh. Với chị, hơn 12 gắn bó với công tác xã hội, là ngần ấy thời gian chị” ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng nhờ vậy, chị được bà con yêu thương, trân trọng và tín nhiệm, được cán bộ các cấp tin tưởng.

 

Được sự giới thiệu của chủ tịch UBMTTQVN xã Nguyễn Trọng Trí, chúng tôi đến gặp chị Trần Thị Sương trong một ngày mưa. Đón tiếp chúng tôi với lòng hiếu khách nhiệt tình, song luôn từ chối lời đề nghị “lên báo”. Chị bảo” Có chi mô, bí thư chi bộ như tui huyện mình nhiều lắm”.

Nhưng chị Sương ơi, là một người phụ nữ mấy ai được như chị, gác lại công việc gia đình để lo toan chuyện làng nước, lặng lẽ đi sớm về khuya khi họp bàn hay vận động Nhân dân- chị đã cống hiến hết mình mà không chút vụ lợi, toan tính.

Năm 2008, chị được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Trường Dục. Hơn 12 năm công tác, kỷ niệm chị nhớ nhất đó là lần “ dân vận khéo” thành công trường hợp bà Trương Thị Dấn nhất mực, cố hủ giữ cháu nội vừa sinh tròn tháng, không cho bé gặp mẹ ruột. Biết được sự tình, chị ngày đêm đến nhà khuyên bảo, giải thích cặn kẽ để bà Dấn hiểu. Sau đó khi hiểu rõ vấn đề, bà Dấn đã trao cháu lại cho con dâu và cảm ơn chị Sương đã giúp bà không phạm sai lầm.

Hay trong công tác dồn điên đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Khi nắm được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chị Sương và ban điều hành thôn tổ chức họp thôn. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, nhiều băn khoăn… nhưng tất cả đều được chị giải thích thấu tình đạt lý.

Trước những công việc quan trọng của thôn, của chi bộ hoặc những chủ trương mới đưa vào thực hiện, hay khi phát động các phong trào thi đua, chị đều cùng với tập thể cấp ủy, chi bộ xin ý kiến tham góp của các đảng viên và những người có uy tín trong làng; phân công các đảng viên phụ trách các hộ gia đình, các chi hội đoàn thể nắm chắc tình hình tư tưởng, nguyện vọng, những khó khăn trong quá trình thực hiện để tìm cách tháo gỡ. Với phương châm "đảng viên viên đi trước, làng nước theo sau", nêu cao tinh thần gương mẫu, chị từng bước vận động gia đình, người thân thực hiện trước và trực tiếp tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình cùng thực hiện.

Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng vậy. Với phương châm “Việc gì dễ thì làm trước, khó làm sau”, chị Sương đến tận từng gia đình nắm bắt hoàn cảnh để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp dân hiểu được lợi ích của việc xây dựng NTM. Vì vậy, người dân rất đồng tình, ủng hộ, nhiều hộ dân đã hiến 2.000m2 đất vườn và tháo dỡ 300m2 tường rào để mở đường. Vận động Nhân dân ủng hộ hơn 500 triệu đồng để ra mắt tập sách Dư địa chí của làng. Tôn tạo khi di tích lịch sử 3 ông khai khẩn ra làng hơn 250 triệu đồng; xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương trị giá hơn 300 triệu đồng. Xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng của thôn hơn 155 triệu đồng….

Hơn 12 năm “ăn cơm nhà và tù và hàng tổng”, mọi việc dưới sự dẫn dắt của chị Sương được làm tuần tự, dân chủ, công khai nên được đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Suốt thời gian gắn bó với thôn Trường Dục, chị Sương luôn nhiệt tình, lăn xả với mọi việc. Làm gì, nghĩ gì, chị cũng đặt lợi ích của người dân và phong trào của thôn lên trước.

Quá trình làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn của chị đã để lại nhiều dấu ấn khó phai cho sự thay đổi tích cực của thôn Trường Dục. Hiện nay, toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo/209 hộ, 7 hộ cận nghèo. Năm 2019, thôn được công nhận thôn văn hóa 5 năm liên tục. Tỷ lệ gia đình văn hóa chiếm trên 85%. Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn được cứng hóa trên 90%; 97% hộ gia đình có nước sạch sinh hoạt. Hơn 10 năm qua, thôn Trường Dục không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên..

Không chỉ làm tốt công tác xã hội, chị Sương còn là gương điển hình trong phát triển kinh tế. Được sự hậu thuận từ chồng, gia đình chị đã đầu tư máy móc cơ giới hóa ruộng đồng như máy cày, máy lồng. Mở gia trại chăn nuôi bò, lợn, gà vịt…Mỗi năm trừ chi phí, thu nhập của gia đình từ 150-200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chị vận động bà con phát triển kinh tế; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhờ đó đã xuất hiện nhiều hộ khá, giàu phát triển kinh tế gia đình, điển hình như hộ gia đình chị Trần Thị Hiền đã biết kết hợp kinh doanh buôn bán với chăn nuôi, cung cấp nguồn giống, sản phẩm cho người dân trên địa bàn, cho thu nhập hàng năm từ 300 – 400 triệu đồng.

Anh Trương Quang Trị - Chủ tịch UBMTTQVN xã Hiền Ninh cho biết: Trong quá trình giữ vai trò Bí thư chi bộ từ năm 2008 đến nay, chị Trần Thị Sương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao, được Nhân dân tin tưởng. Dù là phụ nữ nhưng chị không quản ngại gian khó, vất vả, luôn luôn cống hiến hết sức mình cho địa phương”.

Chia tay chị Trần Thị Sương, trong suy nghĩ của chúng tôi ánh lên niềm tự hào và cảm phục. Một người phụ nữ nhỏ nhắn, rắn rỏi nhưng luôn mang trong mình sự nhiệt thành, kiên định, luôn luôn vì người khác mà cống hiến, mà hi sinh. Chị xứng đáng là nữ bí thư chi bộ được mọi người tin yêu, kính trọng.

 

Hồng Nhung

 

 

 

More