Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Quảng Ninh- một chặng đường

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Huyện Quảng Ninh được tái lập vào ngày 1/7/1990 theo Quyết định số 190/QĐ-HĐBT, ngày 1/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) sau khi chia tách huyện Lệ Ninh thành hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

 

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đa dạng: 25 km bờ biển; 35 km đường biên giáp nước bạn Lào cùng nhiều diện tích đất rừng; cách thành phố Đồng Hới 7 km về phía Nam với tổng diện tích tự nhiên là 119.089 ha và dân số trên 90.000 người gồm 2 dân tộc là người Kinh và Vân Kiều cùng sinh sống;

 

Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, Quảng Ninh với nhiều địa danh nổi tiếng nằm trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình "Văn-Võ-Cổ-Kim". Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với tiếng bom Lộc Long, tiếng trống Ninh Châu mở đầu cho phong trào Quảng Bình quật khởi trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đến những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước với khẩu hiệu "Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương", nhân dân Quảng Ninh đã đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến cùng với cả nước làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

  Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, huyện Quảng Ninh đã từng bước vươn lên vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng từ xuất phát điểm còn rất thấp, đến năm 2015 tăng 22%, giá trị khu vực dịch vụ tăng 12%, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,2%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: công nghiệp, xây dựng chiếm 39%, nông lâm - ngư nghiệp chiếm 35%, thương mại, dịch vụ chiếm 26%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 62,59 tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm.

 

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau khi đưa vào sử dụng hồ thủy lợi Rào Đá, diện tích sản xuất các loại cây trồng được mở rộng; đến năm 2014, diện tích trồng cây lương thực đạt 9.400 ha, tăng hơn 1.000 ha. Chú trọng thực hiện đề án cải tạo bộ giống mới có năng suất, chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa giống kỹ thuật mới vào sản xuất chiếm trên 62% diện tích, góp phần tăng tổng sản lượng lương thực từ 19.200 tấn năm 1991 lên 50.680 tấn năm 2014.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện và các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh cây lúa, ngô, rau màu và các loại cây thực phẩm khác. Đặc biệt, toàn huyện đã chuyển đổi được 300 ha đất trồng lúa ít hiệu quả ở các xã như Hàm Ninh, Xuân Ninh, Vạn Ninh, Vĩnh Ninh, Hiền Ninh vv…sang trồng dưa hấu, ngô, đậu xanh, mướp đắng…góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Đến nay, toàn huyện có 3.565 ha có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/ha/năm, trong đó có 380 ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Chú trọng nâng cao chất lượng số lượng tổng đàn theo hướng sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn và tập trung xây dựng các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, bền vững, khép kín. Đến năm 2015, tổng đàn trâu, bò toàn huyện gần 10.000 con, đàn lợn trên 43.000 con, đàn gia cầm trên 320.000 con, trong đó tỷ lệ đàn lợn ngoại chiếm 90%, bò lai sind chiếm hơn 50%.

 

 

Công tác khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản có sự chuyển biến tích cực, toàn huyện có 22 tàu cá đánh bắt xa bờ, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.130 ha, tăng 380 ha so với năm 2010. Mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở xã Hải Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh; nuôi cá chẽm, cá trắm cỏ trên sông, đầm ở Duy Ninh, Võ Ninh… góp phần đưa tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 3.750 tấn, gấp hơn 6 lần so với năm 1990.

Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế rừng, chuyển đổi diện tích đất rừng có điều kiện sang trồng cao su ở các xã dọc đường Hồ Chí Minh, Làng thanh niên lập nghiệp ở Trường Xuân với diện tích 460 ha; đồng thời xây dựng quy hoạch mở rộng diện tích trồng cao su trên 500 ha; chỉ đạo 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn bàn giao 2.836 ha đất rừng cho 728 hộ và bàn giao rừng cộng đồng cho 4 thôn, bản; giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 525 hộ với diện tích 1.527 ha để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng kinh tế.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Quảng Ninh đã huy động được hơn 2.100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, ngân sách nhà nước trên 1500 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 500 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, xã Lương Ninh được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; xã Vĩnh Ninh và Hàm Ninh đã phấn đấu về đích chương trình này vào cuối năm 2015.

Các cụm công nghiệp, cụm làng nghề như cụm công nghiệp Áng Sơn, xã Vạn Ninh; cụm công nghiệp, cụm làng nghề Tây Bắc thị trấn Quán Hàu. Các công ty, nhà máy công nghiệp từng bước được xây dựng và đi vào hoạt động bước đầu đưa lại hiệu quả đáng ghi nhận. Nhà máy xi măng Vạn Ninh thuộc Tổng công ty Vicem Hải Vân công suất 50 vạn tấn/năm; Nhà máy may S&D thuộc Tổng Công ty May 10; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Long Giang và Công ty cổ phần gạch Tuynen Vĩnh Ninh hoạt động có hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động với mức thu nhập khá ổn định. Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn từng bước phát triển. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 893 tỷ đồng, tăng 228,5% so với năm 2010.

Hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực, các điểm du lịch sinh thái, du dịch tâm linh như núi Thần Đinh, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn tại bến phà Long Đại, Nhà thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và bãi biển Hải Ninh thu hút được nhiều du khách tham quan; đây cũng là tiềm năng thế mạnh để huyện nhà tiếp tục kêu gọi đầu tư để hình thành tuyến du lịch khép kín trong tương lai.

 Phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương nội đồng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng và trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện; đến nay toàn huyện có trên 355 km đường giao thông được bê tông hóa, 210 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, thuận lợi cho nhân dân đi lại sinh hoạt, sản xuất.

Toàn huyện có 57 trường, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và dạy nghề có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tăng trưởng khá; 100% xã, thị trấn có trường học cao tầng kiên cố với tỷ lệ các phòng học được xây dựng kiên cố chiếm tỷ lệ 67%; đến nay có 37 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2, có15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 13%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 68%. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô dân số phát triển đúng hướng, các chỉ tiêu về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, tỷ suất sinh giảm bình quân 0,2%0/năm.

Lễ hội đua thuyền truyền thống vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm được huyện duy trì và phát triển, là ngày hội lớn thu hút đông đảo nhân dân trong huyện, con em công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc đến xem và cổ vũ.

Các chính sách xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm và đạt kết quả tốt. Hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động, (tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 36%), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11% năm 2010 xuống còn 7,5% năm 2014, phấn đấu đến 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.

 

Quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên xây dựng thành công mô hình “Tổ an ninh xung kích tự quản” trong cộng đồng dân cư; đến nay mô hình này đã được nhân rộng và hoạt động có hiệu quả ở 108 thôn, bản, tiểu khu trên toàn huyện. Phát huy tốt sức mạnh tổng hợp toàn dân chủ động phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; gắn việc phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc, đảm bảo an ninh biên giới trên 2 tuyến đường bộ và đường biển.

Quảng Ninh tự hào trước những thành tựu to lớn cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Một huyện Quảng Ninh khang trang với một nền kinh tế công nghiệp trong tương lai đang hiện diện đã khẳng định tầm nhìn, vai trò to lớn của Đảng bộ, chính quyền cùng những nỗ lực của nhân dân huyện nhà. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ninh nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

 TCT

Các tin khác