Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

I. NGUYÊN TẮC PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Theo Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm:

1. Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

3. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

4. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

II. NHỮNG HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM

Điều 8. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì những hành vi sau bị nghiêm cấm:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG LÂY BỆNH TRUYỀN NHIỄM

- Theo Điều 32 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm sau:

1. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

4. Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

5. Thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp.

6. Thực hiện các biện pháp chuyên môn khác theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau:

1. Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm quy định tại Điều 31 của Luật này.

2. Tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh.

3. Giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

- Theo quy định tại Điều 34 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có những trách nhiệm sau:

1. Người bệnh có trách nhiệm:

a) Khai báo trung thực diễn biến bệnh;

b) Tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

2. Người nhà người bệnh có trách nhiệm thực hiện chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

IV. KHAI BÁO, BÁO CÁO DỊCH

Theo quy định tại Điều 47 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định việc khai báo, báo cáo dịch như sau:

1. Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.

2. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể chế độ khai báo, báo cáo dịch.

V. TỔ CHỨC CÁCH LY Y TẾ

Tại Điều 49 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì việc tổ chức cách ly y tế được quy định như sau:

 1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.

2. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

3. Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.

VI. CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ CÁ NHÂN, CHỐNG DỊCH KHÁC TRONG THỜI GIAN CÓ DỊCH VÀ VIỆC KIỂM SOÁT RA VÀO VÙNG CÓ DỊCH

- Tại Điều 51 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các biện pháp bảo vệ cá nhân bao gồm:

1. Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:

a) Trang bị bảo vệ cá nhân;

b) Sử dụng thuốc phòng bệnh;

c) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;

d) Sử dụng hoá chất diệt khuẩn, hoá chất phòng trung gian truyền bệnh.

2. Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.

- Tại Điều 52 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch như sau:

1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:

a) Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;

c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

- Theo quy định tại Điều 53 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định việc Kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A như sau:

1. Các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:

a) Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;

b) Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

d) Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Các tin khác