Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Một số quy định của Luật Trẻ em

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

1. Khái niệm trẻ em

Theo Điều 1, Luật Trẻ em quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

  2. Bảo vệ trẻ em

Theo khoản 1, Điều 4, Luật Trẻ em quy định bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm

Theo Điều 6, Luật trẻ em quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

- Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

- Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

- Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

- Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

- Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

- Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

- Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 0- tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

- Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

- Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

- Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.

- Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.

4. Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm:

- Trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ;

- Trẻ em bị bỏ rơi;

- Trẻ em không nơi nương tựa;

- Trẻ em khuyết tật;

- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS

- Trẻ em vi phạm pháp luật;

- Trẻ em nghiện ma túy;

- Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

- Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; 

- Trẻ em bị bóc lột;

- Trẻ em bị xâm hại tình dục;

- Trẻ em bị mua bán; 

- Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo;

- Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

5. Quyền của trẻ em

Theo quy định từ Điều 12 đến Điều 36, Luật Trẻ em quy định có 25 nhóm quyền của trẻ em như sau:

- Quyền sống

- Quyền được khai sinh và có quốc tịch

- Quyền được chăm sóc sức khỏe

- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng

- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu

- Quyền vui chơi, giải trí

- Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

- Quyền về tài sản

- Quyền bí mật đời sống riêng tư

- Quyền được sống chung với cha, mẹ

- Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ

- Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi

- Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục

- Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động

- Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc

- Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt

- Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy

- Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính

- Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang

- Quyền được bảo đảm an sinh xã hội

- Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội

- Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp

- Quyền của trẻ em khuyết tật

- Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn

6. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình

Theo Điều 75, Luật trẻ em quy định cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm sau đây:

- Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình.

- Tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

- Tạo điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với những quyết định, vấn đề của gia đình liên quan đến trẻ em.

- Không cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

7. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác

Theo Điều 76, Luật Trẻ em quy định Nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm sau đây:

- Tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội;

- Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các khoản đóng góp theo quy định;

- Tạo điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm;

- Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

8. Trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục

Theo quy định từ Điều 96 đến Điều 102 Luật Trẻ em quy định gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục có những nhóm trách nhiệm sau:

- Bảo đảm cho trẻ em được sống với cha, mẹ

- Khai sinh cho trẻ em

- Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em

- Bảo đảm quyền học tập, phát triển năng khiếu, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của trẻ em

- Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em

- Bảo đảm quyền dân sự của trẻ em

- Quản lý trẻ em và giáo dục để trẻ em thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em

Các tin khác