Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Khởi nghiệp từ bánh tráng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nghề, vợ chồng anh Lê Thế Tuất, sinh năm 1982, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1983 ở xóm 2, thôn Lương Yến, xã Lương Ninh đã gây dựng được cơ sở sản xuất bánh tráng với hệ thống máy móc khá hiện đại, cho thu nhập khá cao và ổn đinh, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, sản phẩm bánh tráng của cơ sở Ánh Tuất đã được huyện Quảng Ninh lựa chọn đưa vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chúng tôi về thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Lê Thế Tuất, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh vào một ngày cuối tháng 8, khi vợ chồng anh cùng với nhiều nhân công đang tích cực sản xuất để cho ra lò mẻ bánh tráng đầu tiên trong ngày. Hiệu quả đưa lại từ mô hình này đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập khá ổn định, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh có thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng.

Sau một thời gian bươn chải làm thuê, làm mướn khắp nơi nhưng không trang trải được cuộc sống, anh Lê Thế Tuất trở về quê hương để khởi nghiệp. Nhận thấy ở địa phương có nhiều lao động nhàn rỗi, có nguồn nguyên liệu dồi dào và thị trường tiêu thụ, anh bàn bạc với người thân rồi quyết định phát triển nghề sản xuất bánh tráng vốn đã có sẵn trong gia đình. Năm 2017, được sự ủng hộ của gia đình, anh Tuất khăn gói ra Thanh Hóa để học nghề sản xuất bánh tráng với công nghệ hiện đại. Khi đã nắm bắt được quy trình sản xuất, được chuyển giao công nghệ, nhất là việc điều khiển, vận hành được các loại máy móc, sẵn có lưng vốn trong tay và vay mượn thêm của người thân, bạn bè, vợ chồng anh đã đầu tư trên 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm dây chuyền sản xuất khá hiện đại gồm máy xay bột, máy đánh bột, hệ thống máy tráng và máy nướng bánh khép kín và các loại vật tư, phụ kiện khác... thay thế hoàn toàn quy trình sản xuất thủ công của gia đình trước đây.

 

Anh Lê Thế Tuất, Chủ cơ sở sản xuất bánh tráng, thôn Lương Yến, Lương Ninh cho biết: “Cơ sở sản xuất bánh tráng của gia đình tôi chủ yếu áp dụng công nghệ máy móc khá hiện đại, từ khâu xay bột đến nướng bánh. Vì vậy, bình quân mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ khoảng 2 tạ gạo nguyên liệu cho ra 4.000 đến 4.500 bánh tránh thành phẩm, trong đó có gần ½ số bánh được nướng trực tiếp qua hệ thống máy sấy điện. Với giá bán sỉ 1.600 đồng/1 bánh tráng sống và 2.000 đồng/bánh tráng nướng, đưa lại doanh thu cho gia đình từ 5-6 triệu đồng/ngày”.

Sau hơn 3 năm đi vào sản xuất, đến nay cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Lê Thế Tuất hoạt động khá hiệu quả, thị trường tiêu thu ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho 9-15 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Đào, Nhân công tại cơ sở sản xuất bánh tráng chia sẻ: “Tôi làm việc ở cơ sở sản xuất bánh tráng Ánh Tuất đã được gần 3 năm, làm việc ở đây thu nhập cũng khá ổn định, tuy không cao bằng những công việc khác nhưng có việc làm thường xuyên và khá nhẹ nhàng,  lại gần nhà nên thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình, con cái. Chủ cơ sở cũng rất quan tâm đến anh, chi em nhân công, nhất là vào dịp các ngày lễ, tết vv...”

 

 

Hiệu quả hơn từ mô hình này là có thể chủ động sản xuất được bánh tráng quanh năm, nhất là vào mùa mưa lũ, trong khi các cơ sở khác phải ngừng hoạt động vì không phơi được bánh, thì cơ sở của anh nhờ có hệ thống máy sấy, nướng nên vẫn đảm bảo được nguồn cung cho thị trường. Điều đáng nói là cùng với việc hàng ngày có thương lái đến thu mua bánh tráng ngay tại cơ sở, anh Lê Thế Tuất cũng đã nhanh nhạy trong việc chiếm lĩnh thị trường bằng việc tổ chức cho 2 nhân công chuyên shipper giao hàng đến tận các nhà hàng, quán xá trên địa bàn thành phố Đồng Hới, Quảng Ninh và các vùng lân cận nên rất thuận lợi cho việc tiêu thu sản phẩm và tạo thành chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ông Đoàn Lâm Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Ninh cho biết: “Trên địa bàn xã Lương Ninh có khá nhiều các mô hình khởi nghiệp. Cơ sở sản xuất bánh tráng Ánh Tuất là mô hình tiêu biểu, áp dụng công nghệ khá hiện đại, không những nâng cao lợi nhuận cho gia đình, mà còn giải quyết được việc làm cho một số lao động nông thôn. Đặc biệt, sản phẩm bánh tráng nướng của cơ sở đã được huyện, xã khảo sát, bổ sung đưa vào nhóm sản phẩm xây dựng theo chương trình OCOP, góp phần nâng chuẩn tiêu chí phát triển sản xuất trong lộ trình xây dựng xã Lương Ninh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Hiệu quả đưa lại từ mô hình sản xuất bánh tráng đã gúp vợ chồng anh Lê Thế Tuất, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh có kinh tế khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang, đầu tư cho con cái học hành và mua sắm nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thời gian tới, anh Lê Thế Tuất mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn vay và thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng để gia đình anh mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

 

Ngọc Khang

Đài TT-TH Quảng Ninh

 

 

 

 

Các tin khác