Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Đảng bộ huyện Quảng Ninh phát huy truyền thống 77 năm xây dựng và trưởng thành

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trải qua 77 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch vững mạnh.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ trong phong trào yêu nước và cách mạng những ngày đầu thế kỷ XX, ở Quảng Ninh đã xuất hiện một số thanh niên và trí thức tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, tình nguyện tham gia cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng và trở thành những người cộng sản đầu tiên trên địa bàn huyện như các đồng chí Lê Đình Triển, Phạm Xuân Tuynh... Từ những chiến sỹ cộng sản đầu tiên, các phong trào đấu tranh của quần chúng trong huyện đã lớn mạnh cùng với phong trào chung của cả tỉnh.

 

Năm 1942, cùng với sự phát triển của cách mạng, Chi bộ Trường Môn ra đời, lần đầu tiên tại Quảng Ninh đã thành lập chi bộ cộng sản, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng huyện nhà. Trong phong trào đấu tranh cách mạng, tiến tới Cách mạng tháng Tám, đội ngũ những người tham gia Việt Minh ngày càng đông đảo; quần chúng trên địa bàn huyện đứng lên bẻ gãy xiềng gông thực dân, phong kiến cùng cả nước gây dựng nền độc lập.

Ngày 7/11/1945, tại đình làng Võ Xá, Đảng bộ huyện Quảng Ninh ra đời, mở ra thời kỳ mới: công khai và trực tiếp lãnh đạo Nhân dân đấu tranh cách mạng. Ngay sau khi ra đời, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện Quảng Ninh được khẳng định là hạt nhân nòng cốt trong phong trào cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ ở địa phương.

 

Thực hiện nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Vừa xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích, vừa bám đất, bám làng để sản xuất, chiến đấu. Với tiếng trống Hiển Lộc-Điểm phát động mở màn cho cao trào "Quảng Bình quật khởi", trận chống Pháp phản kích ở Quảng Xá, tiếng bom Lộc Long và những trận thắng liên tục đã tạo đà cho phong trào cách mạng của huyện phát triển mạnh mẽ, cùng với cả tỉnh lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ năm 1955 đến năm 1975, bước vào thời kỳ vừa sản xuất vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Ninh là địa bàn đầu cầu của hậu phương lớn miền Bắc. Đảng bộ huyện luôn nêu cao truyền thống cách mạng, lãnh đạo Nhân dân chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Xe chưa qua nhà không tiếc; đường chưa thông không tiếc máu, tiếc công"...

 

Mỗi tên đất, tên làng ở Quảng Ninh đều gắn với những chiến công chói lọi. Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà cùng với cả tỉnh, cả nước chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân huyện Quảng Ninh đã động viên hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc, của quê hương Quảng Ninh và trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm; tình đoàn kết quân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ninh hôm nay và mãi mãi mai sau.

Năm 1977, Quảng Ninh, Lệ Thủy được hợp nhất thành huyện Lệ Ninh, 13 năm chung sức xây dựng, các Đảng bộ cơ sở và Nhân dân Lệ Ninh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống, từng bước thực hiện công cuộc đổi mới và đã có những chuyển biến tích cực.

Ngày 1/7/1990, huyện Quảng Ninh được tái lập (theo Quyết định số 190/QĐ-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, nay là Chính phủ). Trong bề bộn khó khăn của những ngày đầu tái lập, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ninh với khẩu hiệu hành động “Đoàn kết, đổi mới, tiến lên” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế ổn định và phát triển khá; lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững...

Kế thừa và phát huy các thành tựu đạt được, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ninh đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, phấn đấu vươn lên đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Đến nay, tổng số tiêu chí nông thôn mới (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020) của 14 xã là 252 tiêu chí, trung bình mỗi xã đạt 18 tiêu chí. Toàn huyện có 12 xã đạt 19 tiêu chí/xã; xã Trường Xuân đạt 15 tiêu chí và Trường Sơn đạt 9 tiêu chí.

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh ứng dụng công nghệ cao đưa lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Huyện Quảng Ninh đã tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm có khả năng tham gia chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 1 sản phẩm OCOP đã đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh và 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm thế mạnh khác đang được các doanh nghiệp, địa phương xây dựng phấn đấu đạt tiêu chuẩn.

Nét nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế là huyện đã chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dịch vụ; xây dựng và phát triển khu công nghiệp tây bắc Quán Hàu, Công ty cổ phần điện gió B&T, Nhà máy xi măng Vạn Ninh thuộc Tổng công ty Vicem Hải Vân, Công ty TNHH S&D Quảng Bình, Nhà máy tinh bột sắn Long Giang và hàng chục cơ sở may gia công xuất khẩu... giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 48,1 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6,98% và hộ cận nghèo chiếm 7,15%.

Cùng với đó, huyện đã chú trọng phát triển du lịch, tiêu biểu như sân golf 36 hố của Dự án FLC đã hoàn thành đưa huyện Quảng Ninh có mặt trên bản đồ du lịch Việt Nam; ngoài ra các di tích, danh thắng như Đền tưởng niệm liêt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại, Nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Non núi Thần Đinh, Khe Nước Lạnh vv… ngày càng được du khách quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, phát triển, vừa phục vụ đời sống tâm linh, văn hóa của người dân, vừa thúc đẩy phát triển du lịch, như: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, Lễ hội trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn được công nhận là lễ hội di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia; Lễ hội Chùa Kim Phon-Núi Thần Đinh, Lễ hội cầu ngư Hải Ninh, Lễ hội rằm tháng Giêng vv... Mạng lưới trường lớp được sắp xếp hợp lý và đầu tư đồng bộ. Chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học ngày càng tăng và luôn ở tốp đầu của tỉnh…

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ cho biết “Công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã chú trọng việc tổ chức học tập các chỉ thị, nghị quyết, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết có hiệu quả, đưa nghị quyết vào cuộc sống, góp phần từng bước nâng cao nhận thức của đảng viên. Các cấp ủy Đảng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Quy định số 12 của Huyện ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở được nâng lên. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân có sự đổi mới, chất lượng và ngày càng hiệu quả”.

Nhìn lại chặng đường 77 năm thành lập và phát triển, từ chỗ chỉ có 2 chi bộ trực thuộc với 15 đảng viên, trải qua 25 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ huyện đã có 7.612 đảng viên, sinh hoạt ở 44 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn được củng cố đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Đội ngũ cán bộ các cấp không ngừng được chăm lo, bồi dưỡng toàn diện đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và Tỉnh, cán bộ và Nhân dân huyện Quảng Ninh đã từng bước vươn lên, vượt qua khó khăn của những ngày đầu tái lập, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh. Ghi nhận những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Ninh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều danh hiệu cao qúy khác...

“Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, trong giai đoạn phát triển hiện nay, với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, bằng bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, thời gian tới, Đảng bộ huyện Quảng Ninh tiếp tục chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững”, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Trần Quốc Tuấn cho biết thêm. 

 Ng. Khang

Các tin khác