Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Quảng Ninh nhìn lại chặng đường 32 năm xây dựng và phát triển

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ngày 01/6/1990, Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ) đã có Quyết định số 190/QĐ-HĐBT chia tách huyện Lệ Ninh thành hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; ngày 1/7/1990, huyện Quảng Ninh được tái lập, trở lại với tên gọi của chính mình.

Hơn 3 thập kỷ trước, ngày trở về phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thử thách. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu thốn; đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong bộn bề những ngày đầu mới thành lập, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai những giải pháp để ổn định và định hướng về sự phát triển kinh tế-xã hội, từng bước xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển.

Sau 32 năm kiến thiết, xây dựng, Quảng Ninh hôm nay có nhiều khởi sắc: chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được cũng cố giữ vững; đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

 

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong phát triển nông nghiêp, UBND huyện chú trọng thực hiện đề án cải tạo bộ giống mới có năng suất, chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa giống kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực năm 2021 lên 53.516 tấn. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện và các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh cây lúa, ngô, rau màu và các loại cây thực phẩm khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã chuyển đổi được 20 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, ngô, đậu xanh, mướp đắng…góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung. Huyện đã chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn giao súc, gia cầm, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y vv…Giá trị sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt 143 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.718 tấn, tăng 4% so cùng kỳ.

 

UBND huyện tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế rừng, chú trọng công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện trồng mới 334 ha rừng tập trrung, tăng 22,6% so với cùng kỳ,; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng khoảng 25.300m3, tăng 125% vv…, góp phần tăng độ che phủ rừng đạt 71,6%. Hoạt động khai thác hải sản xa bờ được tăng cường, nuôi trồng thủy sản tăng về quy mô, diện tích. Hiện nay, toàn huyện có 1.640 tàu, thuyền khai thác thủy hải sản; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.190 ha....góp phần đưa tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.652 tấn, trị giá khoảng 81 tỷ đồng.

Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 21%/năm và đến năm 2021 đạt 533 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 gần 239 tỷ đồng, đạt 90,7% dự toán tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước và đến cuối năm 2021 đạt 48,1 triệu đồng/người/năm.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tích cực tham gia hưởng ứng của người dân. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Quảng Ninh có 12/14 xã về đích nông thôn mới; tổng số tiêu chí của 14 xã là 252 tiêu chí, trung bình mỗi xã đạt 18 tiêu chí; 10 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 2 thôn ở xã khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, toàn huyện có 25 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm có khả năng tham gia chương trình OCOP, trong đó, đã có 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 cấp tỉnh và 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Nổi bật trong phát triển kinh tế huyện nhà trong hơn 3 thập kỷ qua là cùng với việc duy trì ổn định giá trị sản xuất nông-lâm-ngư-nghiệp, huyện đã xây dựng, duy trình hoạt động các cụm công nghiệp, cụm làng nghề cùng với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, may mặc, kinh doanh dịch vụ tổng hợp vv…, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập ổn định, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 1.000 tỷ đồng/năm và trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 569 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội luôn được quan tâm. Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả về mạng lưới trường lớp, số lượng và chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ; mạng lưới y tế từ huyện đến tận thôn, bản, tổ dân phố được đầu tư xây dựng cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì; quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Song song với việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở đã được quan tâm chỉ đạo. Đảng bộ huyện đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Quy định số 02 của Huyện ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, cán bộ và Nhân dân huyện Quảng Ninh đã từng bước vượt qua khó khăn của những ngày đầu tái lập, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh. Ghi nhận những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Ninh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều danh hiệu cao qúy khác…

Phát huy truyền thống quê hương Quảng Ninh anh hùng và những thành tựu đạt được trong gần 1/3 thế kỷ qua, trong thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Ninh nêu cao ý chí tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, đoàn kết, quyết tâm xây dựng huyện nhà phát triển nhanh và bền vững.

Ng. Khang

Các tin khác