Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Về Quảng Ninh xem lễ hội đua thuyền

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Lễ hội đua thuyền tại phủ Quảng Ninh xưa và huyện Quảng Ninh ngày nay là một hoạt động văn hóa truyền thống được bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn. Từ đầu năm 2022, người dân Quảng Ninh càng vinh dự, tự hào hơn khi lễ hội đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là một trong các Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội đua thuyền ở huyện Quảng Ninh đã tồn tại hơn 500 năm, trải qua sự biến thiên, thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn không hề mai một. Dần dần, đua thuyền trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân Quảng Ninh.

 

Trước Cách mạng tháng Tám, lễ hội đua thuyền được tổ chức 6 năm một lần, hay còn gọi là lục niên canh độ. Đua thuyền, bơi trải nơi đây có nguồn gốc gắn với tín ngưỡng cầu mưa, cầu đảo, cầu ngư... và mong muốn một vụ mùa thắng lợi của nhân dân qua bao thế hệ. Theo ông Đỗ Duy Văn, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thôn Văn La, xã Lương Ninh, Lễ hội đua thuyền này đã có từ xa xưa. Tất cả những làng xã vùng sông nước từ Phú Hội đến Phú Bình, Phú Hào đã tổ chức đua thuyền. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, vừa mang tính tâm linh, cầu mùa để tôm cá đầy khoang.

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1946-Mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn 1 tuổi, lần đầu tiên Nhân dân huyện Quảng Ninh tổ chức đua thuyền “Mừng Tết Độc lập”; ngày 2/9/1975, huyện Quảng Ninh tổ chức đua thuyền trên sông Nhật Lệ và từ đó trở đi, nhất là từ sau ngày tái lập huyện 1/7/1990, hằng năm, cứ đến dịp Quốc Khánh 2/9, tại bến phà Quán Hàu, huyện tổ chức lễ hội đua thuyền gắn với mừng Tết Độc lập”.

Cũng như nhiều vùng quê khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh là địa phương có phong trào đua thuyền phát triển, gắn với lịch sử hình thành phản ánh đời sống tâm linh và xã hội của vùng đất. Đua thuyền, bơi trải nơi đây có nguồn gốc gắn với tín ngưỡng cầu mưa, cầu đảo, cầu ngư... và mong muốn một vụ mùa thắng lợi. Cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc vào tự nhiên, trời đất, sông nước, ngoài những nỗ lực của bản thân, người dân còn cần đến sự trợ giúp của thần linh để được thuận buồm xuôi gió. Vai trò và ý nghĩa tâm linh của lễ hội đua thuyền còn được phản ánh qua nghi lễ “buông phao” mang tính nhân văn sâu sắc, như một nén hương tưởng nhớ và mong muốn siêu độ cho những người tử nạn trên sông nước.

 

Gắn bó với những giai đoạn lịch sử của dân tộc, của vùng đất, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh cũng đi qua những bước thăng trầm, phát triển và biến đổi để phù hợp với bối cảnh lịch sử, đồng thời đã có sự thay đổi về thời gian cũng như một số hoạt động và phương thức tổ chức, nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc địa phương, thể hiện tín ngưỡng tâm linh với mong muốn có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, một mùa đánh bắt thủy hải sản bội thu, mong muốn về sự đoàn kết, gắn bó và tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước.

Bước vào thời đại mới hội nhập và phát triển, lễ hội lại có điều kiện mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng cũng như mục đích, ý nghĩa. Tuy nhiên, dù ở thời điểm nào, lễ hội đua thuyền truyền thống vẫn là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân nơi đây. Kế thừa truyền thống, hoạt động lễ hội đua thuyền ngày càng phát huy được những giá trị tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Với mong muốn xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng để Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách thập phương, những năm qua, huyện Quảng Ninh luôn quan tâm, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Huyện cũng đã xác định phát triển du lịch gắn liền với lễ hội là một trong những giải pháp khai thác hiệu quả lợi thế tiềm năng vốn có của địa phương. Vì vậy, cùng với các lễ hội chùa Kim Phong-Núi Thần Đinh, thời gian qua, huyện Quảng Ninh quan tâm đầu tư phát triển lễ hội đua thuyền truyền thống trên cơ sở giữ gìn bản sắc riêng có của lễ hội; gắn với các chuỗi hoạt động sinh động như chương trình nghệ thuật, triễn lãm thành tựu kinh tế, xã hội huyện; lễ rước nước thiêng từ Giếng Tiên trên đỉnh núi Thần Đinh, lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm di tích bến phà Quán Hàu, lễ cầu siêu và thả đèn hoa đăng trên sông Nhật Lệ… với tâm niệm cầu cho quốc thái dân an, cho lễ hội thành công tốt đẹp..., tạo yếu tố hấp dẫn cho du khách thập phương và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Thời điểm diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh, hàng ngàn người dân và du khách thập phương tụ về hai bên bờ sông Nhật Lệ từ cầu Quán Hàu đến trụ sở xã Lương Ninh, vùng quanh Cồn Soi và bờ nam xã Võ Ninh để được hòa mình vào không gian lễ hội, khám phá vẻ đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế kỷ; là cơ hội để đưa hình ảnh quê hương, con người Quảng Ninh đến gần hơn với bè bạn. Ông Lê Ngọc Huân, Phó chủ tịch Thường thực UBND huyện Quảng Ninh cho biết “Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ được tổ chức hàng năm là sự tiếp nối giá trị truyền thống văn hóa mà cha, ông để lại. Với trách nhiệm và lòng tự hào, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Ninh luôn giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia với ý nghĩa vốn có của lễ hội. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2024 sẽ được tổ chức vào sáng 1/9. Lễ hội được Đài PT-TH tỉnh Quảng Bình truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV và hàng chục Đài Truyền hình các tỉnh, thành trên toàn quốc tiếp sóng qua vệ tinh. Năm 2024, toàn huyện có 19 thuyền đua của 13 xã, thị trấn tham gia, trong đó có 11 thuyền đua nam và 8 thuyền đua nữ. Năm nay, huyện Quảng Ninh tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho mỗi thuyền đua nam 40 triệu đồng và mỗi thuyền đua nữ 30 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ của huyện và nguồn lực của các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Nhân dân địa phương đều quyên góp hỗ trợ phong trào đua thuyền”.

Từ những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt được tích tụ qua bao đời nay ở huyện Quảng Ninh, cùng với những lễ hội như "Lễ hội trỉa lúa"; "Lễ hội bài chòi", “Lễ hội cầu ngư”, Lễ hội rằm tháng Giêng” vv…, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ góp phần không nhỏ cho việc thu hút đầu tư và phát triển du lịch, với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, hướng tới xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những điểm đến, địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Ng. Khang

Các tin khác