Chi tiết tin - UBND Huyện Quảng Ninh
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh qua các thời kỳ
Huyện Quảng Ninh là địa phương có lễ hội đua thuyền truyền thống có lịch sử hình thành lâu đời, được sử sách ghi nhận. Trãi qua các giai đoạn, với nhiều biến động về lịch sử cũng như địa giới hành chính, lễ hội đua thuyền ở Quảng Ninh vẫn được duy trì tại các thôn, làng, xã và ngày càng được mở rộng về tính chất, quy mô, số lượng.
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, vùng Quảng Ninh (gồm 2 huyện Khang Lộc và Lệ Thủy), được biết đến gắn với lễ hội đua thuyền “Lục niên cạnh độ” trên sông Nhật Lệ. Lễ hội đã sử dụng những chiếc thuyền được đóng dành riêng để đua, với quy mô mang tính chất liên vùng. Có nhiều ý kiến cho rằng “Lục niên cạnh độ” là tiền thân của lễ hội đua thuyền phổ biến ở vùng Đồng Hới, Lệ Thủy và Quảng Ninh ngày nay. Lễ hội đua thuyền “Lục niên cạnh độ” được tổ chức sáu năm một lần vào năm Tý và năm Ngọ (năm đầu/cuối và năm giữa của một giáp), có sự tham gia của bốn làng gồm Động Hải, Hà Thôn, Cừa Thôn và Phú Hội (Phú Địa). Ngoài ra, còn có hội đua của các làng ven sông Nhật Lệ, Long Đại thuộc huyện Quảng Ninh ngày nay như hội đua làng Phú Bình (thị trấn Quán Hàu), làng Trúc Ly (xã Võ Ninh), làng Phú Vinh, Phú Ninh, Phú Nhuận (xã Duy Ninh), làng Ba Lạch (xã Gia Ninh),…
Giai đoạn 1945-1975, đất nước bước vào kháng chiến gian khổ trường kỳ, lễ hội đua thuyền ở Quảng Ninh chỉ được duy trì ở một số làng xã và mang màu sắc và âm hưởng mới. Lễ hội đua thuyền được Uỷ ban hành chính tổ chức, vào ngày 2/9, chào mừng ngày lịch sử trọng đại của đất nước, ghi nhớ công ơn của Đảng, Bác Hồ. Điều này đã làm tăng lên giá trị giáo dục truyền thống của lễ hội đua thuyền của quê hương, truyền thống cách mạng hào hùng của đất nước.
Giai đoạn 1975-1990, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh được sát nhập thành huyện Lệ Ninh. Hàng năm, nhân dịp Quốc khánh 2/9, huyện Lệ Ninh tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang. Trong khí thế vui mừng thống nhất đất nước, lễ hội đua thuyền thu hút đông đảo mọi người dân các xã tham gia, như xã Gia Ninh, Duy Ninh, Võ Ninh, Lương Ninh và Tân Ninh.
Giai đoạn 1990 đến nay, sau ngày huyện Quảng Ninh được tái lập lễ hội với sự tham gia của các xã có truyền thống lâu đời như Duy Ninh; Gia Ninh; Hàm Ninh; Võ Ninh; Lương Ninh. Đến năm 2000 thành phần tham gia đa dạng hơn và có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia lễ hội như Công ty xây dựng tổng hợp Quảng Ninh; Công ty xây dựng Thế Thịnh; Công ty xây dựng Lương Ninh.
Năm 2012 toàn huyện đã có 12/15 xã, thị tham gia, đến năm 2013, 2014, 2015 ngoài trai bơi của các thôn, tiểu khu đã có 5 đến 6 trai bơi là người dân tộc Văn kiều cũng tham gia lễ hội. Có thể nói lễ hội đua thuyền của Quảng Ninh với một sức sống lan tỏa lớn trong mọi tầng lớp nhân dân và thành phần dân tộc. Năm 2014 theo đề nghị của các xã xung quanh khu vực sông kiến Giang-Long Đại, lần đầu tiên huyện tổ chức đua vòng bảng trên sông Kiến Giang, điểm xuất phát tại khán đài thôn Phú Vinh, xã Duy Ninh. Đua vòng bảng tại sông Kiến Giang đã đem lại một động lực to lớn cho người dân trong toàn huyện, qua đây lễ hội đã về tận mọi vùng quê, thôn xóm.
Năm 2016 ngoài đua thuyền nam Ban tổ chức đã tổ chức nội dung đua thuyền nữ lần đầu tiên có 5 đội tham gia gồm các xã Vĩnh Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân và thị trấn Quán Hàu. Năm 2019 là năm đầu tiên từ khi tái lập huyện đến nay có sự tham gia đông đảo của các xã, thị trấn, với12 thuyền đua nam và 10 thuyền đua nữ. Xã Trường Sơn lần đầu tiên tham gia lễ hội, 9 xã, thị trấn tham gia đủ đội đua thuyền nam, nữ ( gồm các xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Võ Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh, Gia Ninh và thị trấn Quán Hàu); 3 xã tham gia thuyền đua Nam (gồm các xã Hải Ninh, Tân Ninh, Trường Xuân); 1 xã tham gia thuyền đua nữ là xã Trường Sơn.
Có thể nói nhìn lại quá trình lịch sử Lễ hội đua thuyền huyện Quảng Ninh là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có một vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội, sinh hoạt văn hóa trước đây cũng như hiện nay. Người dân Quảng Ninh tự hào về lễ hội đua thuyền có bề dày và chiều sâu trong cội nguồn lịch sử, được cha ông gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Cùng với hoạt động trọng tâm là đua thuyền, nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng cùng diễn ra trong dịp lễ Quốc khánh, làm tăng thêm giá trị, ý nghĩa của lễ hội, trở thành nét đẹp truyền thống của quê hương Quảng Ninh. Ngày 12/01/2022 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 77/QĐ/BVHTTDL, công nhận Lễ hội đua thuyền truyền thống trên Sông Nhật Lệ huyện Quảng Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đua thuyền cùng với hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa đang tạo nên thế mạnh về tài nguyên phát triển du lịch cho huyện Quảng Ninh. Đó là cơ sở hình thành nên tuyến du lịch bằng thuyền, khai thác thế mạnh vùng sông nước Nhật Lệ, Long Đại, Kiến Giang: Xuất phát từ di tích lịch sử bến phà Quán Hàu lên Đài tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại, đến núi Thần Đinh vãn cảnh Chùa Non; ngược dòng Đại Giang lên chiên khu Bến Tiêm, Nước Đắng, Hôi Rấy, vượt thác Tam Lu, Oong, Bơờng… đến với Trường Sơn hùng vĩ, hữu tình.
Đ. Hướng-Ng. Khang
- LĐLĐ huyện Quảng Ninh nổ lực chăm lo đời sống đời sống cho đoàn viên, người lao động (25/07/2024)
- Sân chơi mùa hè cho trẻ em (16/07/2024)
- Đất trũng, bùn lầy hoang hóa trồng sen lại cho thu nhập cao (12/07/2024)
- Hiệu quả phong “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (03/07/2024)
- Quảng Ninh xây dựng nền tảng vững chắc tạo đà phát triển (02/07/2024)
- Thị trấn Quán Hàu 25 năm đổi mới và phát triển (28/06/2024)
- Lan tỏa phong trào “lúc trẻ xông pha, về già mẫu mực” (13/06/2024)
- Khởi nghiệp từ mô hình bánh tráng (13/06/2024)
- Chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm tái lập tỉnh (1/7/1989-01/7/2024) (29/05/2024)
- Những “bông hoa làm theo lời Bác” (23/05/2024)