Chi tiết tin - UBND Huyện Quảng Ninh
Ghi chép ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh
Đã sang thu nhưng trời vẫn nóng hầm hập. Đúng là “nắng tháng Tám nám trái bưởi” như dân gian nói, không sai. Đã năm giờ chiều mới thấy không khí bớt ngột ngạt. Tôi ra công viên bệnh viện – nói đúng hơn là vườn hoa – ngồi hóng mát. Một làn gió nhẹ thổi từ phía biển vào man mát. Mây mùa thu nhẹ xốp, trắng nõn bồng bềnh trôi. Những hàng cây xanh đứng lặng yên nay đã phe phẩy lá, cộng với hơi nước từ vòi phun trong bể cạn làm cho không gian dễ chịu hơn. Về chiều, gió ngày một mạnh hơn, lá quốc kỳ và cờ “chữ thấp đỏ” trên tầng cao đã phấp phới bay. Tôi đến ngồi trên chiếc ghế đá có bóng cây che. Một cô gái không còn trẻ, nhưng khuôn mặt xinh xắn dễ mến, đến ngồi chiếc ghế bên cạnh, cất tiếng:
-Cháu chào bác! Bác điều trị khoa mô?
-Tôi là người nhà bệnh nhân.
- Cháu thấy bác quen quen…
-Tôi thấy cô cũng quen quen, già rồi trí nhớ loãng dần, nhớ mặt nhưng quên mất tên.
-Bác là nhà báo, cháu nhớ ra rồi!
-Không, tôi chỉ viết báo thôi, tôi là nhà văn, nhà nghiên cứu…Tôi cũng nhớ rồi, đã có lần tôi nghỉ trưa tại nhà chị ở An Ninh! Lúc đó nhà chị xây dựng sắp hoàn tất, vôi ve còn bề bộn, chị điều trị khoa mô?
-Cháu đi nuôi mẹ cháu, mấy hôm trước cháu cũng thấy bác ra ngồi hóng mát đây.
-Thế là hai bác cháu mình cùng một nhiệm vụ. Cháu thấy bệnh viện bây giờ đàng hoàng, to đẹp hơn không?
-Dạ to đẹp hơn nhiều! Đúng là “đẹp như công viên, sạch như bệnh viện”. Cháu nhớ hồi tháng ba đưa mẹ đi viện, đúng lúc Chi Đoàn thanh niên Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh đã tổ chức chiến dịch “Ngày Chủ nhật Xanh”, thực hiện vệ sinh khuôn viên trong toàn Bệnh viện, phát quang cây cỏ, tu sửa vườn hoa nên mới đẹp đẽ như ri bác ạ!
Hai bác cháu đang trò chuyện, đã đến giờ tan tầm, trên bãi đỗ xe chỉ còn một chiếc. Một bác sĩ (tôi đoán vậy) về muộn đi ngang qua chỗ chúng tôi cất tiếng chào:
-Chào bác, nóng quá bác hè, mời bác lên chỗ cháu uống trà!
-Cảm ơn anh, hẹn khi khác.
Ông đi một vòng quanh khu bệnh nhân xem xét cái gì đó, rồi lên xe, cháu gái bảo tôi:
-Ông giám đốc bệnh viện đó bác à! Mấy bữa ni không chộ bác ăn cơm ở bếp bệnh viện?
-Bà nhà tôi ăn cháo, tôi phải ra mua ngoài, nhân thể ăn cơm luôn, có khi chỉ ăn một ổ mì là vừa; già rồi ăn được mấy!
Ông giám đốc đúng là phong cách lãnh đạo, con chim đầu đàn bao giờ cũng “đến trước về sau”! Hai bác cháu lại tiếp tục câu chuyện.
-Bếp bệnh viện cũng có cháo, cơm bữa cũng khá ngon và rẻ nữa! Ngày mai thứ bảy lại có “ăn sáng từ thiện” bác ạ!
Qua câu chuyện, tôi được biết sự phối hợp giữa Hội chữ thập đỏ huyện, các nhà hảo tâm, câu lạc bộ thiện nguyện, bếp ăn của bệnh viện để có những bữa ăn sáng vào thứ bảy hoặc chủ nhật cho toàn bệnh nhân, lại còn có 2 bữa ăn chính trong một tuần cho các bệnh nhân hộ nghèo…
Nghe theo lời cháu gái, trưa hôm sau tôi đến bếp ăn bệnh viện. Một chị vui vẻ hỏi tôi: Bác ăn suất mấy?
-Chị lấy cho suất cơm 15 ngàn đồng.
Chị đưa cho tôi hộp cơm, tôi nói chị lấy cho tôi một cái bát, đôi đũa; ăn xong, tôi nhận xét: các chị nấu ăn ngon, sạch sẽ và giá rẻ. Một suất ăn 15 ngàn đồng mà thức ăn có trứng rán, thịt kho + tôm, cá khúc kho, rau luộc và canh. Tôi ăn không hết; giá như ở gần thì tìm cách đến ăn hàng ngày.
*
Tôi nhận lời mời của ông giám đốc hôm trước. Sáng thứ hai đầu tuần chắc giám đốc bận giao ban. Sáng thứ ba, gặp một chị mang bờ – lu trắng, tôi hỏi phòng giám đốc. Chị vui vẻ, đưa tay chỉ gác hai: “Bác lên cầu thang, rẻ trái là phòng giám đốc”. Tôi đến thì giám đốc đang cặm cụi đọc, định quay lui, chần chừ chốc lát, tôi gõ nhẹ vào cánh cửa. Giám đốc ngẩng đầu nhìn thấy tôi, ông đon đả:
-Cháu chào bác, mời bác …
-Thấy anh cặm cụi công việc định rút lui!
-Bác ngồi, để cháu pha trà…Xin lỗi, bác là…
-Tôi, Đỗ Duy Văn, ở Lương Ninh, đi nuôi bà xã đang mổ mắt.
Anh pha trà, rót ra hai cốc, nước chè xanh sóng sánh, bốc hương thơm. Tôi nhấp một ngụm, trà ngon, đúng trà Thái Nguyên thứ thiệt, để mở đầu câu chuyện, tôi nói:
-Hai năm nay tôi không đến khám tại bệnh viện đa khoa Quảng Ninh. Lý do đơn giản là từ khi các bệnh viện thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị thì có nhiều bệnh viện tư hoạt động, nên khách hàng có nhiều lựa chọn. Phải công nhận bệnh viện “tiếp thị” tốt: có nước uống, có nước trà và cả bánh kẹo; có người dẫn dắt bệnh nhân lên thang máy… Chính vì vậy mà đã thu hút bệnh nhân ngoài địa bàn; xa xôi như Lệ Thuỷ, Tuyên Hoá, Minh Hoá,.. Thậm chí có người Quảng Ninh nói “bệnh viện Quảng Ninh bây giờ tệ lắm, khám chả có thuốc men..,”. Riêng tôi không phải lý do đó mà thuận đường “quá giang” vì tiện xe con trai làm việc tại Đồng Hới. Mấy năm trước, thỉnh thoảng đi khám vài ba lần, cũng chỉ loanh quanh các phòng khám, nay tôi mới thấy bệnh viện ta thay đổi nhiều quá, to đẹp, đàng hoàng hơn nhiều về cơ sở vật chất, thiết bị…
-Nhân dân phàn nàn có phần đúng bác ạ, – giám đốc nói – không riêng chi Quảng Ninh, mà hầu hết các bệnh viện cũng không tránh khỏi khó khăn ban đầu khi tiếp cận một chủ trương mới. Chúng tôi tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Một tháng riêng khoản lương, phụ cấp theo lương cũng đã xấp xỉ tỷ đồng…Trong lúc đó, như bác biết đó, bệnh nhân đang “còn chê”, chưa mặn mà với bệnh viện.
-Bảo đảm một phần chi thường xuyên từ 10 đến dưới 100%, đơn vị ta đảm bảo được bao nhiêu phần trăm? – Tôi hỏi.
-Bệnh viện Quảng Ninh nằm trong nhóm 3, từ 70% đến dưới 100%; chúng tôi phấn đấu đạt 95%. Mọi khó khăn rồi sẽ vượt qua. Người ta nói “đi lâu mới biết đường dài” thật chí lý. Bệnh nhân đã đến với chúng tôi ngày một đông hơn; những ngày tạnh ráo khoảng 220 người, ngày mưa cũng gần 200 người. Có một nghịch lý: Thầy thuốc lại mong nhiều người đau ốm!? Tôi nhớ mang máng đọc ở đâu đó Bác Hồ đã chúc bộ đội chữa cháy thất nghiệp? Còn chúng tôi thất nghiệp là “đói”!
-Tôi còn nhớ là Tết dương lịch năm 1955 (1/1/1955), Bác đến thăm đơn vị chữa cháy, Bác chúc: “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Để giải quyết nghịch lý này, chúng ta phấn đấu làm cho nhiều người tham gia bảo hiểm y tế. Nhất là Nhà nước có chính sách đóng bảo hiểm y tế tự nguyện theo hộ gia đình, tỷ lệ đóng cứ giảm dần đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Giám đốc cho biết:
-Đến nay về Bảo hiểm y tế có gần 83 ngàn người tham gia đạt 95% kế hoạch UBND huyện giao. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 90%. Tôi tin, năm sau, năm sau nữa tỷ lệ đạt 100% thì nghịch lý trên tự phá sản.
-Bây giờ “hết chê” bệnh viện rồi bác sĩ nhỉ? – Tôi vui vẻ, như vừa hỏi và tự trả lời – Bác sĩ nói:
-Bệnh nhân đến bệnh viện cốt để chữa bệnh, hiệu quả bệnh đó có thuyên giảm không, có lành không? Bệnh nhân đến bệnh viện Quảng Ninh ngày một nhiều hơn, nói lên chất lượng chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc chúng tôi.
Chúng tôi uống đến cốc trà thứ ba, vừa thăm hỏi hoàn cảnh của nhau, được biết bà xã của giám đốc cùng dạy với cháu tôi, cũng là đồng nghiệp, tôi bộc bạch tâm sự:
-Tôi đến với bệnh viện Quảng Ninh trong hai trường hợp “bất khả kháng”. Một là, bà nhà tôi đến xin giấy chuyển viện về Trung tâm mắt – nội tiết của tỉnh để mổ lông quặm (hay cặm). Đến xin giấy, bác sĩ khám mắt cho biết, trừ thay đục thuỷ tinh thể, còn mổ lông quặm, mộng thịt… bệnh viện giải quyết được. Hai là, khi tôi khám bệnh một cơ sở tư ở Đồng Hới, ho có đờm, tôi xin xét nghiệm đờm thì phòng khám không giải quyết được và sẽ giới thiệu tôi đi xét nghiệm một nơi khác. Và, tôi tự đến bệnh viện đa khoa Quảng Ninh, được tiếp nhận và giải quyết xong. (Tôi nhìn chiếc biển chức danh đặt trên bàn làm việc có ghi: Giám đốc/ BSCKII Nguyễn Văn Thân) –Tôi hỏi:
-Thưa bác sĩ, trong 150 người của bệnh viện có mấy bác sĩ?
-Chúng tôi có 35 bác sĩ (trong đó 1 bác CKII, 18 bác sĩ CKI); còn lại là điều dưỡng viên, hộ sinh, nhân viên kỹ thuật, hành chính… Chúng tôi cũng có kế hoạch hàng năm cố gắng nâng cấp đội ngũ khoa học, kỹ thuật. Yếu tố quyết định vẫn là con người. Bệnh viện thường tổ chức hội nghị chuyên đề, mời các đơn vị bạn tham gia để đúc rút kinh nghiệm của ta và của bạn. Tổ chức các hội thi nội bộ như hội thi bí thư chi bộ giỏi, giúp cấp ủy các cấp đánh giá đúng tình hình, thực trạng đội ngũ bí thư chi bộ ở cơ sở, từ đó có các giải pháp để xây dựng đội ngũ bí thư chi bộ có năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đồng thời phát hiện những nhân tố mới để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ. Hội thi điều dưỡng viên giỏi, họ là những người đã hỗ trợ, đồng hành cùng các y bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh, cũng như quá trình nằm viện điều trị của bệnh nhân, thân nhân…
Bác sĩ Thân định thay ấm trà mới, tôi ngăn vì tôi không nghiện trà đặc. Tôi đề nghị bác sĩ được dạo một vòng để “mục sở thị” những đổi mới của bệnh viện. Vừa đi bác sĩ nhắc nhở tôi, khéo kẻo vấp, khéo kẻo trượt, hoặc cẩn thận kẻo trượt ngả… như chính các “tấm biển cảnh báo” đã treo sẵn các địa điểm sẽ xảy ra sự cố đó. Bác sĩ giới thiệu: Ngôi nhà vừa xây dựng (4,5 tỷ đồng) mới đưa vào sử dụng tầng trệt là: “Khu vực chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng” gồm các phòng siêu âm, chụp phim, chụp cắt lớp, nội soi, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, xét nghiệm các bệnh phẩm…quy về một mối thuận tiện cho bệnh nhân đi lại. Các phòng điều trị mỗi bệnh nhân một giường, tủ đựng đồ cá nhân, có bắt điều hoà. Một máy dẫn ô xy vào phòng phẩu thuật, có đường dẫn trực tiếp đến từng giường cho khoa hồi sức cấp cứu, khoa sản…
Đi hết một vòng khép kín, chúng tôi quay về, pha trà mới, tiếp tục câu chuyện còn dở dang. Tôi dùng một cụm từ mà người ta thường so sánh bệnh viên ngày trước và hiện nay là “một trời, một vực”. Tôi còn nhớ, đầu năm 1968 đem một đồng đội chiến thương đến bệnh viện Quảng Ninh đóng ở Hoành Phổ, trong những căn hầm nửa chìm nửa nổi. Bệnh viện thiếu thốn trăm bề: băng vải phải giặt lại, hấp vô trùng để dùng tiếp, kim tiêm dùng luộc đi luộc lại, khi cần thiết vào ban đêm dùng máy phát cỡ nhỏ, có sự cố thì phải quay tay dùng ánh sáng đèn xe đạp…Ngày ấy, bây giờ đã trên 50 năm. Bác sĩ Thân rót cốc nước, mời tôi, anh tiếp câu chuyện:
-Đến nay đã 56 năm. Chúng tôi vừa kỷ niệm 55 ngày thành lập (tháng 4/1967) vào năm ngoái; hồi ấy chỉ là một trạm xá. Ôn lại chặng đường lịch sử, bọn cháu rất tự hào và biết ơn thế hệ cha anh đã khắc phục khó khăn, thiếu thốn, đã cống hiến công sức, trí tuệ và cả xương máu mới có ngày hôm nay!
Năm 1968, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ác liệt nhất, Bệnh viện Quảng Ninh xứng đáng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba – Đã góp phần xuất sắc trong công tác, phục vụ sản xuất và chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Năm 1976, sau khi nước nhà thống nhất, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba - Đã có nhiều thành tích rong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và thống nhất đất nước.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bệnh viện đã được Nhà nước suy tôn Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang – Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước - Chủ tịch Trần Đức Lương ký năm 2005. Rồi bằng khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lẵng hoa của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Ôn lại quá khứ không phải để “ăn theo”, chúng ta không “ăn mày dĩ vãng”, mà phải sống, làm việc sao cho đừng phụ ơn những thế hệ cha anh đã tạo dựng nên, đã làm bệ phóng, làm đòn bẫy cho thế hệ hiện tại và tương lại. Đừng quên quá khứ. Tôi nhớ lại một câu nổi tiếng đã ghi vào tác phẩm văn học của nhà văn Raxun Gamzatôp (Liên Xô cũ): “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”.
Uống cốc trà cuối, bắt tay tạm biệt giám đốc Thân, tạm biệt bệnh viện, nhưng trong tôi ghi đậm một tấm pa nô, chắc lâu lắm, chữ viết hơi phai màu, cũ rồi, nhưng tôi tin trong tâm thức các thành viên bệnh viện thì luôn luôn mới: “Đón tiếp kịp thời, nhận định chính xác, điều trị hiệu quả”.
ĐỖ DUY VĂN
- Ngày hội đại đoàn kết – phát huy sức mạnh khối đoạn kết toàn dân tộc (16/11/2023)
- Quảng Ninh - Công tác Dân vận và dấu ấn từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” (14/11/2023)
- Tuổi trẻ Quảng Ninh trong phong trào xây dựng nông thôn mới (14/11/2023)
- Lan tỏa tính nhân văn từ chương trình Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương (10/11/2023)
- Khởi nghiệp từ mô hình bánh tráng (10/11/2023)
- Ghi nhận về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT ở huyện Quảng Ninh (23/10/2023)
- Người cao tuổi làm kinh tế giỏi (18/10/2023)
- Quảng Ninh tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới (18/10/2023)
- Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Ninh xây dựng đơn vị mẫu mực tiêu biểu (10/10/2023)
- Về Quảng Ninh xem lễ hội đua thuyền (29/08/2023)