Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Quảng Ninh - Công tác Dân vận và dấu ấn từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, những năm qua Đảng bộ huyện Quảng Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị; hoạt động của hệ thống dân vận có nhiều đổi mới, tích cực, chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế địa phương, công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nỏi riêng đã đưa lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Phóng sự "Quảng Ninh - Công tác dân vận và dấu ấn từ phong trào thi đua“Dân vận khéo".

Thời gian qua, công tác dân vận trên địa bàn huyện tiếp tục đổi mới phương thức vận động, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp... đã tạo khí thế mới, quyết tâm mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện một cách đồng bộ, tích cực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội,… Đồng chí Trần Quốc Tuấn, TUV, Bí Thư Huyện ủy cho biết: “Xác định công tác dân vận phong trào thi đua DVK là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 25 về công tác dân vận, đồng thời bắt tay triển khai và thực hiện chương trình hành động, cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương đã vận động Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ một cách đồng bộ, toàn diện với nhiều cách làm hay và mô hình hiệu quả. Công tác dân vận đã có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện, xuất hiện nhiều sản phẩm của mô hình dân vận khéo, nhiệm vụ của công tác dân vận và hoạt động quần chúng đã đi vào triển khai có trọng tâm, trọng điểm bám sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân, giúp ổn định chính trị, phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 đề ra”.

 

Ban Thường vụ Huyện ủy đã phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2020 – 2025; gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng Đảng; công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết đơn thư, khiếu nại và những vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân,... chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Đã giao cho UBND, Mặt trận và các đoàn thể huyện, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc thực hiện 92 mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện, trong đó lĩnh vực kinh tế 19 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội 37 mô hình, lĩnh vực quốc phòng, an ninh 16 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị 10 mô hình, lĩnh vực xây dựng nông thôn mới 10 mô hình.

 

 Từ phong trào có nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực; trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có mô hình “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện” ở thôn Tây, xã Vạn Ninh. Từ một thôn gặp nhiều khó khăn, nội bộ thiếu sự thống nhất, hiệu quả hoạt động thấp, đảng viên và Nhân dân có ý kiến,… Trước tình hình đó, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn bộ máy, đến nay hoạt động của cấp ủy, ban điều hành thôn và phong trào ở đây đã ổn định, phát huy được hiệu quả tích cực.

Trên lĩnh vực kinh tế:  Cùng với các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn và đem lại hiệu quả thiết thực; đã hình thành các nhóm tiết kiệm hùn vốn, giúp nhau về vốn, giống, các tổ tự quản vay vốn, tổ khuyến nông, khuyến ngư trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán canh tác của người sản xuất và giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống. Các mô hình kinh tế đã góp phần làm chuyển biến nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, một số ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển, có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như: khoai gieo Hải Ninh, rượu Võ Xá, dưa hấu Hàm Ninh, mật ong Trường Xuân, gạo Vĩnh Tuy,... Tiêu biểu như mô hình “Vận động hội viên nông dân phát triển nuôi ươm cá giống các loại” của Hội Nông dân xã Gia Ninh. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, anh Nguyễn Tam Hòa, thôn Bắc Ngũ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nuôi ươm các loại cá giống cung cấp cho thị trường. Từ hiệu quả của mô hình, Hội nông dân xã tiếp tục nhân rộng, tạo chuỗi liên kết giữa các hộ, đến nay toàn xã có 20 hộ nuôi cá giống với sản lượng 22,8 tấn; diện tích nuôi tăng từ 2.000m2 lên 8.000m2. Mô hình giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động; thu nhập bình quân 13,3 triệu đồng/tháng/lao động.

 

Hay mô hình “Vận động hội viên phát triển chăn nuôi tổng hợp” tại thôn Cao Xuân của Hội LHPN xã An Ninh. Hội đã chọn chị Võ Thị Hiền làm điểm với diện tích 01 ha đất gò đồi, chị đầu tư chăn nuôi hơn 100 con lợn, 1.000 con gà, 250 con ngan, 100 con bồ câu, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho 03 lao động. Hiện mô hình đã được nhân rộng ra 07 hộ hội viên phụ nữ.

Và mô hình “Vận động Nhân dân phát triển mô hình nuôi ong lấy mật” tại bản Cổ Tràng và thôn Liên Xuân của Hội Nông dân xã Trường Sơn: ban đầu chỉ có 25 thành viên tham gia với hơn 320 đàn ong; đến nay, đã có 31 thành viên với hơn 600 đàn ong, mỗi năm thu được 3.000 lít mật, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân của các hộ nuôi khoảng 40 triệu đồng/năm, sản phẩm được UBND huyện công nhận đạt OCOP 3 sao. Anh Hồ Xuân Thuần, Bản Thượng Sơn, xã Trường Sơn chia sẽ: “Thực hiện mô hình dân vận khéo của Đảng ủy xã Trường Sơn, năm 2020, gia đình tôi được hỗ trợ 5 đàn ong nuôi lấy mật. Quá trình nuôi tôi đã học hỏi tích lũy được kinh nghiệm và nhân rộng lên 23 đàn ong, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 80 lít mật ong, bán ra thị trường 350 nghìn đồng/lít. Nhờ nguồn thu nhập từ mô hình nuôi ong lấy mật nên cuộc sống của gia đình tôi ngày càng được cải thiện”.

 

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục tạo được sự lan tỏa trong xã hội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; nhiều nơi Nhân dân đóng góp tiền, công lao động, hiện vật, hiến đất để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, đầu tư mua sắm, bổ sung các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng, điển hình có mô hình “Vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Đảng ủy bộ phận thôn Lương Yến, xã Lương Ninh,...

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai sâu rộng; đã phát huy được vai trò chủ thể của Nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ hàng rào, cây cối, ủng hộ tiền, vật liệu, ngày công; hỗ trợ cả tiền và ngày công cho những hộ khó khăn,… Nhân dân toàn huyện đã đóng góp 55,6 tỷ đồng, hiến trên 96.300m2 đất, tự tháo dỡ trên 15,5 km tường rào, hàng chục cổng nhà, trên 33.700 ngày công, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong phong trào hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới và đã tạo sự lan tỏa trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện đạt 231 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã; có 12 khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 03 thôn khó khăn được UBND huyện công nhận thôn nông thôn mới; có 18 sản phẩm đạt chất lượng OCOP, trong đó có 14 sản phẩm đạt  3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Điển hình như mô hình Vận động Nhân dân đóng góp nguồn lực, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất chỉnh trang nông thôn mới” tại thôn Quyết Tiến của UBND xã Hàm Ninh, có 26 hộ giải tỏa mặt bằng, hiến 300m2 đất, 280m tường rào bê tông và các tài sản khác trên đất trị giá 120 triệu đồng; vận động Nhân dân đóng góp từ 7 - 10 triệu đồng (có 02 hộ đóng góp từ 50 - 64 triệu đồng) làm 1.500m đường giao thông nông thôn.

Công tác “Dân vận khéo” trong thực hiện các dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao đối với Dự án cụm trang trại điện gió B&T; dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua huyện; Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị quán triệt, giao nhiệm vụ; UBND huyện thành lập tổ chỉ đạo thực hiện mô hình, tổ chức lấy ý kiến tham gia của Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể liên quan về thực hiện mô hình, tổ chức đối thoại với Nhân dân giải quyết các vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; Mặt trận phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với các dự án, tăng cường giám sát và phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, đến nay: Dự án cụm trang trại điện gió B&T đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10/2021; dự án cầu Nhật Lệ 3 đã bàn giao mặt bằng đạt 100%, dự án đường ven biển bàn giao mặt bằng đạt 96%, dự án đường cao tốc Bắc – Nam bàn giao mặt bằng đạt 99,6%.

Năm 2023, để cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 72-KH/HU ngày ngày 17/02/2023 và triển khai chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo” giúp các bản thuộc 02 xã Trường Sơn, Trường Xuân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hoá, an ninh trật tự, đã giao nhiệm vụ cho 13 xã, thị trấn và 12 cơ quan, đơn vị cấp huyện giúp 19 bản có đồng bào Vân Kiều của 02 xã. Với mô hình này, bước đầu các đơn vị đã huy động được trên 1,3 tỷ đồng và đã xây dựng, sửa chữa 02 công trình nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhiều mô hình sinh kế, xây dựng 01 nhà tình nghĩa, hỗ trợ 08 bản xây dựng thiết chế văn hóa, hệ thống truyền thanh; gần 900 suất quà được trao đến cho bà con Vân Kiều,...

Có thể thấy rằng, những điểm sáng trong công tác dân vận và  phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện Quảng Ninh đã tác động tích cực đến các mặt đời sống xã hội. Những kết quả đó đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị, từ đó phát huy được ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; khơi dậy và nâng cao ý thức tự chủ, tình đoàn kết trong Nhân dân trong giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 – 2025./.


Minh Hằng

Các tin khác