Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Nét đẹp lễ hội Rằm tháng Giêng ở Văn La

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nằm trên con đường thiên lý Bắc – Nam, làng Văn La, xã Lương Ninh là một làng nổi tiếng. Không biết từ bao giờ, văn La đã được truyền tụng là một trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình. Đất văn La giàu lịch sử, con người văn La nho nhã và mến khách, văn hóa Văn La còn mang đậm bản sắc cộng đồng. Một trong những hoạt động văn hóa đầu năm được gìn giữ và phát huy nét đẹp ở mảnh đất này là Lễ hội Rằm tháng giêng.

 Văn La là vùng đất sơn thủy hữu tình, trước mặt làng là đầu nguồn dòng Nhật Lệ thơ mộng được hợp nhất bởi hai dòng Kiến Giang và Đại giang, làng năm trên một vùng gò nên các cụ xưa thường gọi là “Văn La long đáo địa” có nghĩa là rồng lên trên đất Văn La; sau lưng tựa dãy Trường Sơn hùng vĩ xanh ngút ngàn và cánh đồng trãi rộng trên 150 ha. Văn La còn được vinh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” với “Trai phò mã, gái hậu cung”, “Văn La song hiệp biện”... Người Văn La có bản chất cần cù trong lao động, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Công trình Địa đạo Văn La đã trở thành di tích lịch sử đã minh chứng cho lịch sử chống giặc ngoại xâm giữ nước, giữ làng. Đây cũng là làng văn vật mang đậm nét văn hóa tâm linh của đình thờ, chùa chiền, miếu mạo. Những lễ hội được tổ chức hoành tráng vào mùa xuân ở Văn La như Lễ Kỳ phúc, Cầu mùa, giẫy mã làng .... Ngày nay, trong dòng chảy của sự gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Văn La được mọi người biết đến với nét đẹp của Lễ hội Rằm tháng giêng.

Diễn ra liên tục 23 năm nay, Lễ hội rằm tháng giêng được người dân Văn La coi trọng và ra sức duy trì, giữ gìn như một hoạt động không thể thiếu của làng trong những ngày đầu năm.

Ông Lê Trọng Duận Trưởng Ban liên lạc các dòng họ làng Văn la truyền thống cho biết: Lễ hội Rằm tháng Giêng là một trong những hoạt động lớn nhất của thôn, vì vậy ngay trước Tết công tác chuẩn bị rất chu đáo, Ban liên lạc đã cùng cốt cán của thôn họp bàn thống nhất các nội dung, trình tự của lễ hội, giao trách nhiệm cho các thành viên cụ thể theo phần việc của mình nhằm đảm bảo Lễ hội diễn ra tốt đẹp.

Có dịp về với Văn La trong những ngày tổ chức Lễ hội mới cảm nhận hết không khí của nét đẹp văn hóa này. Nhà nhà đồng loạt treo cờ tổ quốc, ban đêm các đường làng, ngõ xóm sáng trưng ánh điện, nhà văn hóa thôn được trang hoàng rực rỡ và tấp nập người đến chuẩn bị lễ hội.

Ông Lê Trọng Nam Trưởng thôn Văn La chia sẽ: Mấy năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid 19 Lễ hội được tổ chức chỉ phần lễ, năm nay hội làng được tổ chức qua mô lớn với phần lễ và phần hội. Ngoài các hoạt động vui Tết đón Xuân Quý Mão, thôn chỉ đạo các xóm tổ chức tập luyện các tiết mục văn nghệ và các môn thi đấu như; bóng chuyền nam, nũ, kéo co, nhảy bao bố vv, đồng thời có chính sách hỗ trợ giúp các xóm tham gia đầy đủ các nội dung của Lễ hội.  

 

Lễ hội Rằm tháng giêng ở Văn La được tổ chức trong 2 ngày 14 và 15 tháng giêng bao gồm các hoạt động thể dục thể thao, hội diễn văn nghệ trong phần hội. Phần lễ được tổ chức vào sáng ngày 15 một cách tôn nghiêm, có nhà lễ, có âm nhạc, có đọc khánh chúc ... Làng cử một cụ cao niên làm chủ lễ, hai phó chủ lễ, bốn người đông xướng, tây xướng, hai nội tán, mười người chấp sự. Người được đứng chủ tế là vinh dự, thực hiện trọng trách trước thần linh, người phó chủ tế giúp chủ tế trong nghi lễ cúng thần linh đướng trước bàn thờ ở gian phụ. Đông xướng và tây xướng thực hiện các nghi thức tuần tự trong lễ tế. Chấp sự là những người đứng hai bên lo việc dâng hương, châm rượu, chuyển chúc thư ... Nghi thức hành lễ được thực hiện tuần tự theo bốn phần: Nghinh thần, sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Các bài chúc văn tế đều được viết trên giấy màu khổ rộng, được cách tân với nội dung chủ đạo là biểu hiện sự ước muốn, lòng thành kính của dân làng với các bậc tiền nhân, tiền bối đã lập ra làng xã, lòng hướng về các bậc thần linh đã phù hộ cho dân làng bình yên thịnh trị, con cháu của làng ăn nên làm ra. Sau phần lễ tế, lần lượt các tổ chức, ban ngành và toàn thể nhân dân tiến hành dâng hương.

 

Sau phần lễ được thực hiện trang nghiêm, phần hội được tiếp tục với phần thi đấu bóng chuyền, bòng bàn và các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co, thi nấu com, làm bánh. Lễ hội đã tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho dân làng trong những ngày đầu xuân.

 

Lễ hội rằm tháng giêng chính là nét đẹp truyền thống của làng nhằm nhắc nhở con cháu hướng về nguồn cội, nhắc con em nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, để trách nhiệm với cuộc sống và hiểu thêm về đạo lý của con người Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp để động viên sức mạnh của tất cả cộng đồng làng xóm cho việc xây dựng và phát triển quê hương bền vững. Người ta nói “Ly hương bất ly tổ”, người Văn La dầu đi đâu, về đâu, dẫu ở xã xôi vạn dặm nơi xứ người, dẫu kẻ Nam, người Bắc đều hướng về làng để ngắm nhìn cây đa, giếng Làng, giếng Hang quen thuộc và để được thắp nén tâm hương lên bàn thờ tổ tiên với tấm lòng thành kính; và về làng để được tham gia Lễ hội Rằm tháng giêng như một nét đẹp văn hóa tâm linh không thể thiếu./.

Hoàng Quyết

Trung tâm VH TT và Truyền thông huyện Quảng Ninh

Các tin khác