Bình chọn

0 người đã tham gia bình chọn

Cây đa bổ Lộc Long - tháng năm hào hùng

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Cây đa bổ ở Lộc Long tọa lạc bên bến sông Đại Giang hiền hòa thuộc thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Kề bên cây đa là đài bia tưởng niệm cao vút, sừng sững in trên nền trời xanh, bốn mặt được ốp đá xẻ tự nhiên màu xám, nội dung bia được khắc đỏ ngày 15-7-1949, ghi dấu thời điểm lịch sử tiếng bom Lộc Long trong thời kỳ chống Pháp.

  

Theo sử sách, cùng những lời nhắc nhở về tội ác của thực dân Pháp trên đài bia tưởng niệm tiếng Bom Lộc Long, với dòng chữ vẫn tươi màu, cây đa Lộc Long là một chứng nhân lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp, thực dân đã xây dựng ở Xuân Dục ( cạnh Lộc Long) một đồn binh lớn và bố trí lực lượng cơ động ứng chiến ở ga Xuân Dục để sẵn sàng ứng cứu.Trong số mười đồn thực dân Pháp đóng trên đất Quảng Ninh thì đồn Xuân Dục là một vị trí trọng yếu để khống chế cả vùng An, Tân, Trường và xã Trường Sơn nên chúng bố trí người Pháp làm trưởng đồn, chỉ huy. Thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ II của Đảng bộ Tỉnh và sự chỉ đạo của Huyện ủy Quảng Ninh, chi bộ Trường Ninh đã chỉ đạo xây dựng làng Lộc Long trở thành làng chiến đấu chống Pháp. Cuối năm 1948 đến đầu năm 1949, Lộc Long đã có 1 tổ chức đảng gồm 7 đảng viên do đồng chí Nguyễn Trường Tích làm tổ trưởng. Hưởng ứng phong trào Quảng Bình quật khởi, Lộc Long đã tổ chức trung đội du kích gồm 2 tiểu đội năm và 1 tiểu đội nữ, đồng chí Nguyễn Ấu –cán bộ thuộc bộ đội độc lập, tiểu đoàn 274, Trung đoàn 18 chủ lực Tỉnh trực tiếp làm Trung đội trưởng và huấn luyện cho quân du kích về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu. Trung đội đã cho chôn một quả bom tại cây đa bổ, dây dật được kéo xuống trước nhà mẹ Đầu. Hai quả bom tự động cũng được chôn ở Đa Râu và Giếng sau.

Khi kể về đợt tập kích tại cây đa bổ, ông Nguyễn Trường Giòn – Nguyên Phó CT UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Ngày 16-7-1949, địch tổ chức cuộc hành quân nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Từ đồn Xuân Dục địch hành quân lên hướng cầu Long Đại, ga Xuân Dục rồi sau đó bất ngờ tiến về Lộc Long. Vào lúc này trung đội du kích ở Lộc Long đã bố trí lực lượng chốt chặn giữ làng, ở đầu cổng làng và mỗi xóm đều bố trí đặt bom địa lôi để phục kích chờ địch. Khi địch tới, lực lượng của địch gồm một trung đội Pháp -Việt do tên đồn trưởng Xuân Dục là Ba Rô chỉ huy. Thời điểm địch đi qua cổng xóm 1, du kích giật bom nhưng bom xịt không nổ. Địch đi qua cổng thứ 2, sau ít phút nghỉ ngơi ở gốc cây đa bổ, đích thân tên đồn trưởng dẫn quân vào phá cổng. Thời cơ diệt địch đã tới, du kích kịp thời giật bom, bom nổ, đồng thời cũng tung lựu đạn. Bị đánh bất ngờ, địch choáng váng không kịp trở tay, chúng hốt hoảng nổ súng bừa bãi rồi kéo chạy về đồn với kết cục tên đồn trưởng bị gãy tay, 4 tên khác bị thương”. 

Và cây đa bổ đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Lộc Long nói riêng và người dân Quảng Bình nói chung.

Ông Nguyễn Văn Hinh – Nguyên Bí thư ĐU xã Xuân Ninh cho biết: “Trận đánh bom ở cây đa bổ Lộc Long tuy diệt địch chưa nhiều nhưng đã gây một tiếng vang lớn trên địa bàn, là thắng lợi đầu tiên của du kích ta hưởng ứng phong trào ''Quảng Bình quật khởi". Nó như một tiếng sấm báo hiệu mùa xuân của phong trào cách mạng ở các xã vùng  giữa của huyện, tạo đà cho phong trào du kích công khai đánh địch phát triển”.

Các cụ cao niên ở làng khẳng định, hiện không ai biết được cây đa Lộc Long có từ thời nào, chỉ biết rằng, các sách còn lưu giữ được cho biết cây có niên đại khoảng 100 năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bị bom đạn tàn phá, năm 1972, cây đa bổ Lộc Long không còn nữa. Đến năm 1990, thầy trò Trường THCS Xuân Ninh ( xưa gọi là Phổ thông cơ sở Xuân Ninh) do thầy Dương Viết Thế làm hiệu trưởng đã tổ chức trồng lại cây đa mới trên nền đất cũ. Dường như đời cây cũng như con người nơi đây luôn có lối xử thế nhân văn “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Từ đó đến nay, cây đa mọc lên tốt tươi, vòm lá xanh ngăn ngắt, yên ả tỏa bóng mát, che bóng cho tượng đài linh thiêng, ghi dấu tháng năm hào hùng. Nhìn những lá cành xanh biếc vẫy gió, thảnh thơi nghiêng mình cạnh dòng sông, mấy ai nghĩ rằng, trước đó cây đa bổ Lộc Long cũng như người dân nơi đây đã phải chứng kiến biết bao mất mát, đau thương cũng như những khát khao chưa bao giờ tắt về cuộc sống hạnh phúc, bình yên của miền quê cách mạng, kiên trung, bất khuất..Về Lộc Long những ngày tháng 11, đi trong không gian yên bình của miền quê từng một thời đau thương dây thép gai đâm nát trời chiều, làm chúng tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến. Nhiều nhân chứng nguyên là dân quân, du kích chứng kiến sự kiện tiếng bom năm nào hầu như không còn. Ông Nguyễn Quang Hào, đảng viên đầu tiên của làng Lộc Long, bị địch bắt lần hai, chúng đem ra chém đầu tại đình làng. Ông Nguyễn Quang Khiếu (còn có tên gọi khác là Nguyễn Quang Long), người trực tiếp giật bom nổ, mất vì già yếu. Nhiều người sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tiếp tục lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ, họ anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường miền Nam. Có lẽ dấu ấn thời gian đã xóa mờ đi những hồi ức đau thương, nhưng còn đó ý chí quật cường một thời đạn bom máu lửa, còn đó cây đa xưa nhắc nhở thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp.

Để bảo tồn Di Cây Đa Lộc Long trong phong trào “ Quảng Bình Quật Khởi”, đồng chí Nguyễn Xuân Thích – Chủ tịch UBND xã Xuân Ninh cho biết: “Năm 2014, từ nguồn vốn của Tỉnh, xã Xuân Ninh đã xây dựng bờ kè bên gốc cây Đa và đài tưởng niệm trị giá 95 triệu đồng. Năm 2017, tiếp tục xây dựng bờ kè bên kia sông trị giá 100 triệu đồng, nhằm giữ gìn và bảo tồn di tích lịch sử, qua đó nhắc nhở các thế hệ sau về truyền thống cách mạng của quân dân Quảng Ninh, là địa chỉ đỏ để mọi người trở về nguồn, sống lại không khí hào hùng của Nhân dân ta trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt”.

Bên gốc cây đa , vẫn văng vẳng đâu đây tiếng bom Lộc Long năm xưa, từng lớp người lớn lên...Ở đây, truyền thống được đắp bồi, tiếp nối bền bỉ, tự nhiên… như khí trời, khiến mỗi người lại càng thấy tự hào hơn về những trang sử anh hùng của cha ông.

 

Hồng Nhung

Các tin khác